Kỳ vọng tăng đầu tư của Mỹ vào Việt Nam

(BĐT) - Được đánh giá là quốc gia có lợi thế trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) so với các nước trong khu vực, nhưng hiện nay dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn thiếu vắng những “ông lớn” đến từ Mỹ, châu Âu.
Lũy kế đến tháng 10/2017, các nhà đầu tư Mỹ đã “rót” vào Việt Nam khoảng 9,4 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp. Ảnh: Tường Lâm
Lũy kế đến tháng 10/2017, các nhà đầu tư Mỹ đã “rót” vào Việt Nam khoảng 9,4 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp. Ảnh: Tường Lâm

Sự kiện Tổng thống Mỹ Donald Trump tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC và thăm chính thức Việt Nam vào những ngày tới, được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội thúc đẩy dòng vốn FDI từ Mỹ vào Việt Nam.

Thu hút đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư, luỹ kế đến tháng 10/2017, các nhà đầu tư Mỹ đã “rót” vào Việt Nam khoảng 9,4 tỷ USD vốn FDI, đứng thứ 9 trong số 128 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Con số này, nếu so sánh với các nước và vùng lãnh thổ đang có vốn FDI đổ vào Việt Nam như Hàn Quốc (57 tỷ USD), Nhật Bản (46,3 tỷ USD), Singapore (41,7 tỷ USD), Đài Loan (30,8 tỷ USD)... thì còn khá khiêm tốn.

Nếu tính riêng trong 10 tháng năm 2017,  đã có hơn 400 triệu USD vốn FDI từ Mỹ vào Việt Nam. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới chiếm chủ yếu với 267 triệu USD; vốn đăng ký tăng thêm là 76 triệu USD; và giá trị góp vốn mua cổ phần là 63,5 triệu USD.

Trao đối với Báo Đấu thầu, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, bức tranh thu hút vốn ngoại của Việt Nam vẫn còn “vắng bóng” các nhà đầu tư Mỹ hay EU. Chủ yếu luồng vốn ngoại đến từ các nước trong khu vực châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan…

“Chưa đến 10 tỷ USD vốn FDI của Mỹ vào Việt Nam, con số này quả thực chưa xứng với tiềm năng của Mỹ cũng như quan hệ kinh tế - chính trị ngày càng phát triển của hai nước hiện nay”, ông Thắng nhận xét.

Phân tích nguyên nhân vì sao luồng vốn ngoại từ Mỹ vào Việt Nam còn hạn chế, ông Thắng cho rằng, các nhà đầu tư Mỹ với lợi thế về vốn, công nghệ, thị trường luôn được rất nhiều quốc gia chào đón. Chính vì vậy, sự lựa chọn và cơ hội đầu tư của nhà đầu tư Mỹ ở những quốc gia, địa bàn có năng lực cạnh tranh hơn là rất nhiều. “Không chỉ các nước đang phát triển, những nước đã phát triển rồi cũng vẫn có nhu cầu thu hút vốn từ Mỹ. Việt Nam phải cạnh tranh với rất nhiều quốc gia để có thể hút đầu tư từ quốc gia này”, ông Thắng nhận xét.

Cũng theo ông Thắng, danh mục kêu gọi đầu tư của Việt Nam hiện chưa phù hợp với “khẩu vị” của nhà đầu tư Mỹ. Đầu tư của Mỹ thường có quy mô rất lớn và đưa vào các lĩnh vực công nghệ cao. Nếu đầu tư nhỏ lẻ thì họ thường chọn cách đầu tư sang các nước gần Mỹ hơn.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng đồng tình cho rằng dòng vốn của Mỹ vẫn chưa “mặn mà” đổ vào Việt Nam. Theo ông Toàn, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến vốn FDI từ Mỹ hay EU vào Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với quan hệ chính trị, văn hoá và thương mại chính là sự thiếu minh bạch trong môi trường kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.

Giải pháp nào để hút vốn từ Mỹ?

Theo ông Phan Hữu Thắng, đang có nhiều cơ hội để thúc đẩy đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam, khi chuyến tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC và thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ diễn ra vào những ngày tới. “Đây thực sự là cơ hội tốt cho Việt Nam. Vai trò của Tổng thống Mỹ, vị thế của nước Mỹ là rất lớn trên trường quốc tế. Việc Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam sẽ góp phần nâng cao mối quan hệ giữa hai nước và thúc đẩy đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam”, ông Thắng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Thắng cũng nhấn mạnh, để có thể thu hút đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam hiệu quả thì điều quan trọng vẫn là thay đổi từ nội tại. Tức là đi từ chính các nguyên nhân khiến đầu tư Mỹ còn hạn chế, từ đó khắc phục để có thể trở nên “hấp dẫn” hơn. Ngoài ra, cần thông qua các kênh ngoại giao, xúc tiến đầu tư để tìm hiểu và đưa ra danh mục dự án thu hút đầu tư phù hợp. Vì muốn nhà đầu tư Mỹ đầu tư vào Việt Nam thì phải tìm hiểu xem “khẩu vị” của họ như thế nào, chúng ta có đáp ứng được không.

Chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Văn Toàn nhấn mạnh đến việc phải tổng rà soát các điều kiện đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài và các thủ tục, quy trình kiểm soát các điều kiện đó. “Cần quyết liệt vào cuộc để tháo gỡ các rào cản vô lý, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam”, ông Toàn nhấn mạnh.

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho rằng, thương mại tự do và công bằng sẽ giúp duy trì và phát triển quan hệ đầu tư và thương mại song phương. Việc nhập khẩu sản phẩm vào Việt Nam còn tốn kém và phức tạp, do vậy, nhà đầu tư Mỹ mong muốn Việt Nam sẽ giải quyết các rào cản phi thuế quan đối với thương mại chủ yếu gặp tại biên giới.      

Chuyên đề