Để đạt được mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 6,7% trong năm 2018, nhiều giải pháp đã được nêu ra, trong đó có công tác hoàn thiện chính sách pháp luật về đầu tư theo hình thức PPP. Ảnh: Lê Tiên |
Theo Thủ tướng, đây là con số có ý nghĩa lớn để có thể tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, cải cách tiền lương. Vậy, những giải pháp nào để huy động nguồn lực tăng trưởng trong năm 2018?
Năm 2017 - dòng vốn đổ vào sản xuất kinh doanh
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, trong điều hành chính sách tiền tệ, ngân hàng đã phối hợp nhịp nhàng với các chính sách vĩ mô, đặc biệt là chính sách tài khóa, nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế năm 2017.
Trong năm qua, lãi suất cho vay đã giảm 0,5-1%, đặc biệt một số tổ chức tín dụng áp dụng cho vay ngắn hạn, lãi suất ưu tiên đối với những khách hàng tốt, những lĩnh vực được định hướng…
Kết quả, tín dụng cho ngành công chế biến, chế tạo đến cuối năm 2017 tăng trưởng trên 30%; cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng trên 28%; tín dụng cho nông nghệp nông thôn tăng 21%. Rủi ro tín dụng được kiểm soát rất chặt theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Về điều hành tỷ giá, dự trữ ngoại hối, ông Hưng cho biết, đến ngày 29/12, tổng dự trữ ngoại hối chính thức đạt gần 52 tỷ USD. Năm 2017, Việt Nam mua vào kho dự trữ ngoại hối khoảng 13 tỷ USD, đây là mức kỷ lục. Công tác điều hành tỷ giá, ngoại tệ đã cung ứng đầy đủ cho nền kinh tế, đảm bảo hỗ trợ cho xuất khẩu, kiểm soát được chính sách tiền tệ.
Về nguồn vốn cho nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, Bộ Tài chính thực hiện nhiều giải pháp để phát triển thị trường vốn và dịch vụ tài chính. Thị trường chứng khoán phát triển vượt bậc, đóng vai trò quan trọng cho việc cung ứng điều phối vốn dài hạn cho nền kinh tế, thúc đẩy nâng cao giá trị doanh nghiệp (DN), quy mô thị trường vốn ước đạt 103,42% GDP so với mức 80% GDP của 2016, là mức cao nhất kể từ khi mở cửa thị trường.
Việt Nam cũng đưa vào vận hành thị trường chứng khoán phái sinh, thị trường bảo hiểm tăng trưởng tốt, đảm trách được vai trò “bà đỡ” của nền kinh tế.
Tiếp tục khơi thông nguồn lực
Đề cập về nhiệm vụ của năm 2018, phát biểu kết thúc Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2018, ngoài việc sử dụng các kênh truyền thống là tín dụng và chứng khoán, cần nhiều giải pháp khác để huy động vốn.
Thủ tướng chỉ đạo, hiện nguồn lực cho đầu tư công đang rất hạn chế, cần phải có cơ chế khơi thông nguồn lực đóng góp vào phát triển. Hiện chúng ta có Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư mà vẫn lúng túng. Cần phải gỡ khâu này để huy động vốn đầu tư, nếu không huy động đầu tư xã hội hóa, kinh tế sẽ rất khó phát triển. Thời gian qua, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách ngày càng hạn chế nhưng việc xã hội hóa nguồn lực đã được nhiều đơn vị làm rất tốt để đầu tư các dự án quy mô lớn, từ sân bay đến đường cao tốc. “Việt Nam cần xã hội hóa mạnh mẽ việc tìm nguồn lực đầu tư từ xã hội để huy động vốn đầu tư phát triển, phấn đấu tương đương 30% GDP năm 2018”, Thủ tướng chỉ đạo.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến việc tích cực thu hút các nguồn vốn FDI một cách có chọn lọc, kết nối DN trong nước và DN FDI. Cùng với đó, các bộ ngành, địa phương cần tiết kiệm trong chi tiêu hội họp. Lễ hội năm nay phải được kiểm soát tốt, không gây lãng phí.
Nhìn về nguồn lực ODA trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, nguồn lực này sẽ càng khan hiếm hơn. Theo Phó Thủ tướng, tính đến tháng 11/2017, cả nước mới giải ngân được 56,2% kế hoạch năm. Một số tỉnh, thành có tỷ lệ giải ngân trì trệ như Ninh Bình, Bắc Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hưng Yên… Đặc biệt, trong thời gian tới, nguồn vốn vay sẽ rất đắt khi Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình, nếu không giải ngân được vốn ODA đã ký kết sẽ đội chi phí lên rất nhiều. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị Chính phủ và các địa phương cần hết sức quan tâm sử dụng hiệu quả nguồn vốn này cũng như cân nhắc kỹ việc đề nghị dùng các nguồn vốn này trong các dự án tới đây.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, năm 2018, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng với việc đẩy mạnh xử lý nợ xấu, tiếp tục nỗ lực điều hành tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định. Mở rộng tín dụng đi liền với kiểm soát chặt chất lượng, đặc biệt ưu tiên tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp công nghệ cao.