Đón luồng gió tươi mới trong đầu tư, kinh doanh

(BĐT) - Một trong những điểm sáng của nền kinh tế trong năm qua là số lượng doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới đạt kỷ lục cao chưa từng có. Đóng góp vào kết quả đó là nỗ lực của Chính phủ xóa bỏ rào cản gia nhập thị trường, tạo niềm tin dài hạn vào môi trường kinh doanh. 
Đón luồng gió tươi mới trong đầu tư, kinh doanh

Trong năm 2017, với quyết tâm cải cách mạnh mẽ của Chính phủ, môi trường kinh doanh sẽ tiếp tục được “thanh lọc” với kỳ vọng tạo ra đột phá, chuyển biến về chất đối với nền kinh tế nói chung, hoạt động nội tại của DN nói riêng.

Môi trường kinh doanh là không gian được kiến tạo bởi nhiều thành tố trong đó có hệ thống khung khổ pháp luật. Những nỗ lực của Chính phủ trong năm qua không gì khác là minh bạch và đơn giản hóa những luật chơi, tạo ra sân chơi bình đẳng cho các DN.

Với sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, năm 2016 môi trường kinh doanh của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, nhiều rào cản kinh doanh được xóa bỏ. Cộng đồng DN, hơn bao giờ hết cảm nhận rất rõ “luồng gió mới” trong hoạt động đầu tư kinh doanh theo tinh thần tôn trọng quyền hiến định về tự do kinh doanh.

Ngay trong những ngày đầu tiên của nhiệm kỳ mới, với thông điệp xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ DN Nghị quyết số 35/NQ-CP đã được ban hành. Đây được đánh giá là quyết sách đầu tiên của Chính phủ có tầm nhìn 5 năm về phát triển DN. Nghị quyết 35 tập trung khắc phục những thách thức, rào cản cơ bản của DN, đồng thời đề ra hàng loạt mục tiêu cụ thể cùng các giải pháp nhằm “khoan sức” cho DN.

Nếu Nghị quyết 35 được đánh giá là nhìn nhận đúng thực trạng của DN, đặt ra mục tiêu trung hạn (5 năm) thì các Nghị quyết số 19 (ngày 18/3/2014; 12/3/2015; và 28/4/2016) hướng đến mục tiêu cụ thể cho từng năm về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Một cú huých quan trọng nhằm cải thiện môi trường kinh doanh trong năm 2016 chính là việc Quốc hội thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Theo Danh mục mới này, chỉ còn 243 ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có

điều kiện.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định, việc cấm ban hành điều kiện về đầu tư kinh doanh trái thẩm quyền có từ Luật DN năm 2000, Luật DN năm 2005 và nhắc lại trong Luật DN năm 2014, song năm 2016 là năm đầu tiên quy định này được đảm bảo thực hiện đúng, đầy đủ.

Tại Báo cáo thường niên “Môi trường kinh doanh 2017: Cơ hội bình đẳng cho mọi người” do Ngân hàng Thế giới công bố mới đây, xếp hạng mức độ cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng 9 hạng so với báo cáo năm trước, trong đó có các chỉ số tăng mạnh như bảo vệ nhà đầu tư, đóng thuế…

Trong Báo cáo “Môi trường thương mại toàn cầu 2016” của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), môi trường thương mại của Việt Nam tăng 14 bậc trong bảng xếp hạng “Thúc đẩy thương mại xuyên biên giới 2016”, lên vị trí 73/136 nền kinh tế nhờ có nhiều cải thiện trong quản lý biên giới, hải quan...

Dẫn số liệu điều tra về xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2016, Tổng cục Thống kê cho biết, có 80,6% số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý IV ổn định và tốt hơn quý trước. Dự báo trong quý I của năm 2017, có 81,1% số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và tốt lên, trong đó có 42,6% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 38,5% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 18,9% số DN dự báo khó khăn hơn.

Mặc dù có sự chuyển biến đáng kể trong năm 2016 về môi trường kinh doanh nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, đây vẫn là công việc trọng tâm Chính phủ cần tiếp tục quyết liệt triển khai trong năm 2017. Trong bối cảnh các nguồn lực cho tăng trưởng khó khăn như nguồn vốn đầu tư hạn hẹp, cạnh tranh khốc liệt cả đầu ra và đầu vào, việc khơi nguồn lực nội tại bằng cơ chế, chính sách cần được xác định như một lựa chọn tiên quyết. 

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO cho rằng, Chính phủ cần kiên định, nhất quán trong việc xác định rõ vai trò, vị trí trọng tâm của DN trong phát triển kinh tế để từ đó ban hành các chính sách theo định hướng thị trường, tạo ra tự do kinh doanh thực sự. Các chính sách cần bám sát thị trường nhằm đảm bảo tính thực thi cao. Đặc biệt, cần xóa bỏ ranh giới giữa DN nhà nước và DN thuộc thành phần kinh tế khác. “Vấn đề mấu chốt là hành động, quyết liệt triển khai các chính sách” - ông Đức nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với ông Đức, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhìn nhận, thông điệp của Chính phủ đã đủ mạnh, chính sách đã nhiều, định hướng đã rõ. Vì vậy, điều quan trọng trong năm tới là hành động nhằm rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và thực tế, xoá bỏ sự khác biệt giữa văn bản và thực thi.

Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương diễn ra vào cuối tháng 12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định tinh thần quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, nói đi đôi với làm, phục vụ người dân và DN.

Như vậy, cộng đồng DN có thể tin tưởng vào một môi trường kinh doanh lành mạnh trong năm 2017, tự tin phát triển kinh doanh một cách dài hạn, cạnh tranh lành mạnh theo cơ chế thị trường.

Chuyên đề