Lô đất dự kiến xây dựng bến xe nằm sát vành đai 3. |
Hà Nội dự định xây dựng bến xe Yên Sở (còn gọi là bến xe Thanh Trì) trên vành đai 3 vào cuối năm 2018. Việc này khiến nhiều chuyên gia giao thông lo ngại vành đai 3 vốn đã có lưu lượng phương tiện lớn sẽ thêm ùn tắc.
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho hay, hiện các bến xe ở phía Nam quá tải. Để giải quyết ách tắc, thành phố phải nhanh chóng đưa các xe khách ra ngoài vành đai 3 và tương lai là ngoài vành đai 4. Do vậy, Hà Nội cấp phép xây dựng bến xe Yên Sở để tạm thời thay thế bến xe phía Nam trong thời điểm chưa xây dựng được các bến xe ngoài vành đai 4.
"Nếu chờ 10 năm nữa mới di dời ra ngoài vành đai 4 thì không ổn, thực tế phải giải quyết quá tải của các bến xe trong nội đô. Thành phố đã định hướng toàn bộ các tuyến xe chạy phía Bắc sẽ đưa ra bến xe Cổ Bi, toàn bộ xe phía nam sẽ ra bến xe Yên Sở", ông Viện nói.
Lãnh đạo Sở Giao thông cũng nhấn mạnh cơ quan này đã nghiên cứu tổ chức giao thông qua vành đai 3 để ngăn chặn ùn tắc sau khi bến xe Yên Sở đi vào hoạt động. Theo đó, các phương tiện được phân luồng ba hướng, trong đó xe từ phía Bắc qua cầu Thanh Trì đi vào vành đai 3 bên dưới.
Ngoài ra, Sở dự kiến sẽ mở một nút giao móng lừa để toàn bộ xe phía Bắc sẽ quay đầu tại đây vào bến xe Thanh Trì mà không quay đầu tại nút giao Pháp Vân. Còn xe đi từ bến xe Thanh Trì ra sẽ đi vào nút Tam Trinh, vòng vào đường cao tốc trên cao nên không ảnh hưởng đến nút giao bên dưới. "Chúng tôi tính toán tổ chức giao thông rất tốt, không có gì băn khoăn", ông Viện khẳng định.
Giám đốc Sở Giao thông cũng cho biết, thành phố cấp phép cho doanh nghiệp đầu tư bến xe Yên Sở trong 50 năm là do công năng sử dụng không chỉ là bến xe liên tỉnh mà còn cả bến bãi đỗ xe. Khi Hà Nội xây dựng được bến xe phía Nam ở ngoài vành đai 4 thì phương tiện tại bến xe Yên Sở sẽ được di chuyển, giữ lại hạ tầng bến xe là bãi xe trung chuyển.
Bến xe Yên Sở trong tương lai sẽ phục vụ cho xe buýt nội đô, đồng thời là bến xe trung chuyển và bãi đỗ xe kết nối phương tiện công cộng với khu trung tâm.
Vị trí bến xe Yên Sở (Thanh Trì) nằm trên đường vành đai 3.
"Bến này xây dựng để di chuyển xe từ các bến xe phía Nam, rồi lại di chuyển sau vài năm gây bất ổn luồng tuyến xe khách, ảnh hưởng việc đi lại của người dân", ông Liên nói.
Theo ông, phương án phân luồng của Sở Giao thông chưa hợp lý, khó giải quyết được vấn đề ùn tắc khu vực vành đai 3 bởi mật độ giao thông tuyến này đang tăng lên, trong khi diện tích đường lại không thể mở rộng. "Thêm bến xe Yên Sở với công suất 1.000 xe ngày đêm thì chắc chắn ùn tắc giao thông nghiêm trọng”, ông Liên nói.
Đại diện Vụ An toàn giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) cũng bày tỏ, bến xe Yên Sở cách bến xe Nước Ngầm chỉ hơn một km là quá gần nhau, không hợp lý nếu xây bến mới và bỏ bến cũ. Ngoài ra, quy mô đường gom vành đai 3 chỉ rộng 7 m với mật động xe qua lại lớn, giờ thêm 800 đến 1.000 xe khách mỗi ngày đêm là "cả một vấn đề".
"Dù bến Yên Sở có trong quy hoạch, Hà Nội cần phải tham khảo ý kiến cộng đồng và người dân xem có nên xây dựng bến xe tại đây hay không”, vị này nói.
Năm 2016, UBND thành phố Hà Nội cho phép Công ty cổ phần bến xe Thanh Trì được đầu tư xây dựng bến xe khách Yên Sở (bến xe Thanh Trì) tại quận Hoàng Mai.
Dự án bến xe khách kết hợp bãi đỗ xe có diện tích 30.000 m2; giai đoạn đầu sẽ khai thác 400 lượt xe mỗi ngày đêm. Vốn đầu tư dự án là 118 tỷ đồng, thời gian hoạt động của dự án là 50 năm. Chủ đầu tư đang tiến hành giải phóng mặt bằng để khởi công xây dựng vào cuối 2018.