Xuất khẩu đồ nội thất phòng khách tăng mạnh nhờ xu hướng làm việc tại nhà

0:00 / 0:00
0:00
Thời điểm này, trong khi xuất khẩu đồ gỗ nội thất phòng khách và nhà bếp đã hồi phục, thì nhóm sản phẩm đồ gỗ nội thất phòng ngủ và văn phòng vẫn giảm sâu…
Đồ gỗ nội thất phòng khách được ưa chuộng.
Đồ gỗ nội thất phòng khách được ưa chuộng.

Xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam chủ yếu là hàng nội thất, trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất thuộc về nhóm sản phẩm nội thất phòng khách, sau đó lần lượt đến phòng ngủ, nhà bếp, văn phòng.

NỘI THẤT PHÒNG NGỦ TĂNG TRƯỞNG CHẬM

Từ cuối tháng 9/2021 đến nay tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát, hoạt động sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ đã từng bước hồi phục. Thế nhưng riêng đối với các doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ nội thất phòng ngủ thì đến thời điểm này công suất hoạt động vẫn ở mức thấp.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất phòng ngủ trong tháng 10/2021 chỉ đạt 53 triệu USD, giảm 77,2% so với tháng 10/2020. Tính chung 10 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất phòng ngủ đạt 1,62 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Giường và tủ dùng trong phòng ngủ là 2 mặt hàng xuất khẩu chính, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu mặt hàng đồ nội thất phòng ngủ năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng giường và bộ phận giường dẫn đầu đạt 875,2 triệu USD trong 3 quý đầu năm, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 55,7% tổng kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất phòng ngủ.

Tiếp theo là tủ dùng trong phòng ngủ đạt 437,7 triệu USD kim ngạch xuất khẩu trong 3 quý đầu năm; tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 27,9% tổng kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất phòng ngủ.

Một số mặt hàng đồ nội thất phòng ngủ khác cũng xuất khẩu nhưng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ như: Tủ đầu giường chiếm 7,6%; bàn dùng trong phòng ngủ chiếm 3,3%; bàn trang điểm chiếm 1,5%; tủ áo chiếm 1,4%.

Về thị trường xuất khẩu đồ gỗ nội thất phòng ngủ trong 10 tháng qua, kim ngạch tới thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 1,3 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp theo là thị trường Nhật Bản đạt 66,9 triệu USD, giảm 20,6%; Anh đạt 43,5 triệu USD tăng 15,9%; Hàn Quốc đạt 38 triệu USD, giảm 11,6%...

Trong khi kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất phòng ngủ lên tới gần 2 tỷ USD mỗi năm và luôn chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ, thì xuất khẩu đồ nội thất văn phòng vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ, mỗi năm chỉ đem về trên dưới 400 triệu USD. Nguyên nhân là do mẫu mã loại sản phẩm này sản xuất tại Việt Nam chưa phù hợp với thị hiếu và văn phòng tại các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Xuất khẩu đồ nội thất văn phòng giảm liên tiếp trong nhiều tháng qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong đó, xuất khẩu đồ gỗ nội thất văn phòng trong tháng 10/2021 chỉ đạt gần 20 triệu USD, giảm 41 % so với cùng kỳ năm 2020.

Tính chung 10 tháng, xuất khẩu đồ nội thất văn phòng ước đạt 402 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2020. Đồ nội thất văn phòng xuất khẩu nhiều nhất tới thị trường Hoa Kỳ chiếm 61,9% tổng trị giá xuất khẩu đồ nội thất văn phòng.

ĐỒ GỖ NỘI THẤT PHÒNG KHÁCH, NHÀ BẾP TĂNG TRƯỞNG MẠNH

Đối ngược với tình trạng ảm đạm của xuất khẩu đồ gỗ nội thất phòng ngủ và văn phòng, thì xuất khẩu đồ gỗ nội thất phòng khách, phòng ăn và nhà bếp đang hồi phục mạnh mẽ.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất nhà bếp trong tháng 10/2021 đạt 56 triệu USD đã ngang bằng với tháng 10/2020. Lũy kế 10 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 736,9 triệu USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Trước đó, kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất nhà bếp trong tháng 9/2021 đạt 50,2 triệu USD, giảm 30,5% so với tháng 9/2020. Kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất nhà bếp tới thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 527,9 triệu USD trong 3 quý đầu năm, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong khi kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất nhà bếp tăng mạnh tới thị trường EU, Anh, Canada và Trung Quốc trong 9 tháng năm 2021, thì kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia lại giảm.

Tủ bếp là mặt hàng xuất khẩu chính trong cơ cấu mặt hàng đồ nội thất nhà bếp xuất khẩu, đạt 510,4 triệu USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm 2020. Mặt hàng tủ bếp xuất khẩu nhiều nhất tới thị trường Mỹ, với kim ngạch xuất khẩu đạt 458,5 triệu USD, tăng 45,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp theo là các thị trường như Nhật Bản, Anh, Chilê, EU…

Viforest nhận định, tiềm năng xuất khẩu nhóm mặt hành nội thất nhà bếp trong 2 tháng cuối năm rất khả quan, bởi đúng vào thời điểm mà nhu cầu thị trường tăng cao đối với các sản phẩm nội thất nhà bếp đáp ứng cho mùa lễ tết, thị trường nhà ở cải tạo, nhà ở mới được hoàn thiện.

Xuất khẩu mặt hàng đồ nội thất phòng khách và phòng ăn trong tháng 10/2021 đạt 120 triệu USD, nâng trị giá xuất khẩu trong 10 tháng năm 2021 đạt 2,46 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Đồ nội thất phòng khách và phòng ăn xuất khẩu chủ yếu tới thị trường Mỹ, đạt 1,73 tỷ USD, tăng 31,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp theo là thị trường Nhật Bản đạt 97 triệu USD, giảm 4,7%; Anh đạt 82,6 triệu USD, tăng 24,1%; Canada đạt 68,5 triệu USD, tăng 32,7%; Pháp đạt 46,1 triệu USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Viforest cho rằng, nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh, trong đó đồ nội thất phòng khách và phòng ăn là mặt hàng mà nhu cầu tiêu thụ thường tăng mạnh trong những tháng cuối năm, đáp ứng cho thị trường xây dựng hoàn thiện và sửa sang, trang trí nhà cửa khi năm mới đang đến gần.

Đối với tất cả các sản phẩm đồ gỗ, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đã và đang được hưởng nhiều thuận lợi, ưu đãi từ các FTA. Đáng chú ý, ngày 1/10/2021, Việt Nam ký thỏa thuận với Hoa Kỳ về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp. Việc ký Thỏa thuận sẽ góp phần nâng cao uy tín của ngành gỗ Việt Nam, làm nền tảng cho phát triển lâm nghiệp bền vững, phục vụ lợi ích cho người dân và doanh nghiệp hai nước.

"Hiện tại các doanh nghiệp ngành gỗ đều gấp rút huy động công nhân và tăng công suất để kịp tiến độ giao hàng trong thời gian tới. Trong 2 tháng cuối năm, tình xuất khẩu đồ nội thất phòng ngủ, phòng khách, nhà bếp sẽ khả quan hơn, do nhiều doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng cho đến hết năm, thậm chí cho đến hết quý I/2022", ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Viforest nhận định.

Chuyên đề