Lặng lẽ sương giá Bằng Phúc
Không phải nơi sơn cùng thủy tận, nhưng Bằng Phúc cũng đủ xa và khó đi, đủ độ ngoằn nghèo, lên cao và xuống thấp; như thể sẵn sàng thử sự kiên gan của bất kỳ những ai muốn tìm về ngắm những thân chè cổ thụ trăm năm tuổi, xù xì cao đến hơn cả một nóc nhà.
Buổi sáng tháng cuối năm sương giá rơi nhiều, rời xa trung tâm thị trấn Chợ Đồn qua hết Phương Viên và lên cao tới Bằng Phúc. Quãng đường độ hơn ba mươi cây số, sương giăng mắc khắp nơi, làm cho những ngôi nhà nhỏ dọc hai bên đường vẫn co ro, như chưa muốn thức dậy sau đêm ngủ dài.
Chiếc ô tô Lada cũ kỹ dừng lại ở một quán tạp hóa nhỏ, gần ngay đầu xã Bằng Phúc. Trong lúc đợi Bẩy, chàng lái xe tháo vát cũng là cán bộ của Ban Quản lý dự án huyện Chợ Đồn, người giúp chúng tôi về thăm miền trà cổ thụ, rất nhiệt tình đi mượn xe máy. Tôi và anh bạn ngồi nhâm nhi chén rượu ngô thơm nồng, nhấp môi thứ nước bỏng rẫy được nấu từ những bông chè Shan Tuyết của ông chủ quán Hà Văn Quảng. Đây có lẽ không chỉ là thứ quà đãi khách, mà còn là sự giới thiệu khéo léo về đặc sản địa phương của người dân Bằng Phúc.
Mượn được xe, chúng tôi len lỏi vào Bằng Phúc, bắt đầu từ một con dốc đổ xuôi trơn và thẳng đứng, lổn nhổn toàn đá cuội. Khí hậu nơi đây luôn lạnh vì nằm ở độ cao khoảng 1.200 m so với mực nước biển. Nhiệt độ trung bình quanh năm, suốt tháng chỉ vào khoảng 20 độ C. Một trong những “trưởng lão” nghề trà của Bằng Phúc, Lê Văn Công năm nay ngót nghét bảy chục tuổi tâm sự với tôi, chính khí hậu đặc trưng mát lạnh của thiên nhiên nơi đây đã tạo ra những điều kiện thuận lợi cho cây chè sinh trưởng, phát triển. Đồng thời, tạo nên hương vị và phẩm cấp rất đặc trưng, thơm ngon khác lạ của chè Shan Tuyết.
Ngắm những thân chè cổ thụ cao đến tận nóc nhà, đường kính to đến độ một người ôm mới kín, bao bọc quanh những ngôi nhà cổ của Bằng Phúc, tôi cảm nhận sức sống kỳ lạ và mãnh liệt của giống chè đặc biệt nơi đây. Trên những thân, cành trăm năm tuổi xù xì, rêu xanh, nấm mốc, địa y trắng bàng bạc phủ kín, vẫn thấy bám và sinh sôi đầy những chiếc lá xanh mướt.
Khác với các giống chè khác, búp chè Shan Tuyết có phủ một lớp lông tơ trắng trông như những bông hoa tuyết. Khi sao khô, búp chè có màu trắng bạc, pha nước sóng sánh vàng.
Liến, Chủ tịch xã Bằng Phúc còn khá trẻ, hồ hởi giới thiệu: “Chè được xác định là một trong những cây trồng chính, đặc sản của địa phương; hiện ngoài những cây cổ thụ, toàn xã cũng đã trồng được thêm được gần 370 ha chè Shan Tuyết…”.
Bất tận dòng chảy văn hóa
Nghệ thuật chế biến Trà ở Bằng Phúc đã theo dòng chảy thời gian suốt hàng trăm năm để tồn tại và phát triển. Có được chén trà đủ hương thơm, vị đậm, nước xanh không chỉ đòi hỏi bí quyết riêng mà còn cả sự công phu của người làm nghề nơi đây.
Bên một ấm trà nóng pha bằng nước suối nguồn, Lý Văn Mẩn, chủ của gần chục gốc chè cổ thụ, giảng giải kỹ cho tôi về “cách” làm ra thứ Trà Bằng Phúc tuyệt phẩm.
Đầu tiên là công đoạn thu hoạch, chè muốn ngon phải được hái vào thời điểm đầu xuân và nên để những bàn tay con gái làm. Vì chỉ có sự nhẹ nhàng, tính kiên nhẫn mới đảm bảo cho các lá chè không bị giập, nát. Ngoài ra, chè phải được hái sớm, bắt đầu từ lúc mặt trời chưa ló rạng và kết thúc khi mặt trời gác sào, vì trong thời điểm này chè cho ít chất chát nhất.
Chè hái xong phải làm héo bằng cách vò bằng tay, rồi cho vào chảo gang sấy nhẹ trên bếp lửa để tránh bị lên men mà mất đi phẩm chất hương vị. Đây là công đoạn quyết định phẩm chất các loại chè. Người sản xuất chè giỏi phải chủ động được quy trình này để tạo ra vị riêng cho trà.
Việc đóng gói, bảo quản sau công đoạn sấy chè cũng phải được thực hiện cẩn thận, nhằm tránh sự hư mốc. Hiện ở Bằng Phúc, nhiều hộ trồng chè đã mua sắm được một số thiết bị khá hiện đại để thực hiện công đoạn này, như máy hút chân không, máy dán nhãn…
Được thăm vùng chè cổ Bằng Phúc, và nhiều vùng trà cổ thụ nổi tiếng khác ở Suối Giàng, Tả Xùa… mới thấy, nghề trồng chè và thói quen uống trà đã hiện hữu ở rất nhiều vùng miền; cũng như đong đầy trong đó những nét phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp. Đặc biệt, trong các ngày Tết, nhà nào cũng sẵn vài lạng trà ngon, dành đãi khách quý.
Nhưng dù có trà ngon, như loại Shan Tuyết cao cấp, thì cũng cần đi cùng kỹ thuật pha và rót trà. Như vậy, việc uống trà mới có thể trở thành một nghệ thuật.
Riêng với người Hà Nội, trà phải được pha bằng thứ nước tinh khiết. Xưa các cụ hứng nước đọng trên lá sen, hay nước mưa. Nay chí ít cũng nên có thứ nước sạch không mùi chất tẩy. Nước đem đun bằng ấm đất trên bếp lò là tốt nhất. Nước chỉ đun vừa đủ sôi. Vì nếu không đủ sôi thì trà không ra vị, nếu sôi quá thì trà lại nồng.
Tính lượng trà cho vào ấm sao đủ lượng, cần sự tinh tế của người pha. Cho ít quá thì nhạt, nhiều quá thì đắng chát; hoặc cũng phải phụ thuộc vào tính cách, khẩu vị của khách mà gia giảm lượng trà. Nước rót lần đầu vừa ngập trà phải đổ đi để rửa sạch trà. Tiếp đến, nước sôi được chế lần hai vào đầy bình và đậy nắp, rồi được đổ quanh bình và các chén nhằm làm sạch chén, giữ hương trà.
Trà thường nước thứ hai mới ngon. Chén để uống trà là loại chén nhỏ. Khi rót trà phải rót vào một chén to nhất (chén tống) đầu tiên, sau mới chia đều vào các chén nhỏ (chén quân). Nếu không có chén to, thì phải xoay vòng rót lần lượt ít một vào từng chén nhỏ,… Như thế, vị trà sẽ được đậm đà như nhau.
Ngày Tết, mừng khách quý đến nhà và pha một ấm trà ngon, mời khách uống ngay khi chén trà còn nóng. Tay nâng ly trà, thong thả nhấp từng ngụm, thưởng thức trà bằng tất cả tâm hồn, bằng những cảm xúc, giác quan và tâm tình, chia sẻ những câu chuyện vui…
Nhờ trà, mà ngày xuân thêm cởi mở những chuyện vui, thêm ân tình trao gửi. Còn trà, là còn mãi những truyền thống văn hoá dân tộc tốt đẹp.