Bị cáo Phan Sào Nam tại tòa chiều 22/11. |
Chiều ngày 22/11, TAND tỉnh Phú Thọ tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án "đánh bạc nghìn tỷ. Sau khi nhóm luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Dương (cựu Chủ tịch HĐTV Công ty đầu tư phát triển công nghệ cao - CNC) trình bày xong, HĐXX yêu cầu bị cáo Phan Sào Nam (cựu Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty VTC online) lên bục khai báo để tự bào chữa cho mình.
Đứng trước bục khai báo, bị cáo Nam nói hoàn toàn đồng ý với bản luận tội của VKS, gửi lời cảm ơn tới VKS đã xem xét tình tiết giảm nhẹ hình phạt đối với bản thân và những bị cáo khác. Sau đó, bị cáo Nam nói với HĐXX sẽ nhờ luật sư bào chữa cho mình.
Tiếp đến, luật sư Hoàng Văn Hướng (bào chữa cho bị cáo Phan Sào Nam) lên trình bày phần bào chữa. Theo ông Hướng, ngay từ đầu, Phan Sào Nam đã được bị cáo Nguyễn Văn Dương cho biết CNC là công ty bình phong của Bộ Công an, có chức năng làm kinh tế nghiệp vụ, trinh sát ngoại tuyến và một số hoạt động khác nên có thể đứng ra kinh doanh game bài dưới hình thức thử nghiệm, trong quá trình chờ đợi xin được giấy phép chính thức.
Ngoài ra, Phan Sào Nam còn được biết Văn phòng của CNC đặt tại số 10 Hồ Giám Hà Nội, đây đã từng là cơ quan của cảnh sát. Thỉnh thoảng trong một số lần gặp gỡ, Nguyễn Văn Dương dùng xe ô tô có biển xanh của Bộ Công an.
Luật sư Hoàng Văn Hướng trình bày bào chữa của mình tại tòa chiều 22/11.
Luật sư Hướng trình bày tiếp, theo lời khai của Phan Sào Nam, trong thời gian hơn 2 năm triển khai dịch vụ game bài đánh bạc (5/2015 – 8/2017), mặc dù có một vài lần cơ quan quản lý nhà nước đến làm việc liên hệ, nhưng không xử lý gì. Các lời khai của bị cáo Nguyễn Văn Dương và chị Lưu Thị Hồng cũng khẳng định trong quá trình tổ chức đánh bạc dưới hình thức game bài RikVip và TipClub, công ty CNC chưa bị cơ quan chức năng nào xử lý (Bút lục số 6395 – lời khai của Lưu Thị Hồng).
"Tất cả những yếu tố trên cũng góp phần hợp thành 4 yếu tố cấu thành tội phạm tuy không phải là các dấu hiệu có ý nghĩa định tội nhưng có ý nghĩa ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội cần được xem xét một cách công bằng, công tâm cho thân chủ tôi" - Luật sư Hướng nói thêm.
Miễn trách cho Phan Sào Nam về tội “Rửa tiền”?
Về tội “Rửa tiền” cáo buộc với Phan Sào Nam, luật sư Hướng đưa ra quan điểm, ở góc độ lập pháp, đối chiếu với Điều 251 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009) thì thấy các quy định gây khó khăn cho các cơ quan áp dụng pháp luật nên thực tiễn xét xử về tội “Rửa tiền” là rất ít.
“Điều quy định chưa rõ ràng dẫn đến cách hiểu không thống nhất: Ý kiến thứ nhất cho rằng Chủ thể của tội rửa tiền có thể đồng thời là chủ thể của tội phạm nguồn (tức tự rửa tiền) và ý kiến thứ hai cho rằng chủ thể của tội rửa tiền không thể đồng thời là chủ thể của tội phạm nguồn (tức chỉ có chủ thể rửa tiền cho người khác)” - luật sư Hướng nêu quan điểm.
Cũng theo luật sư Hướng, thực tiễn tố tụng của Việt Nam đã có nhiều vụ án mà các cơ quan tố tụng đã có quan điểm truy cứu trác nhiệm hình sự (TNHS) thêm về tội “Rửa tiền” đối với người phạm tội nguồn, đó là vụ án Vinalines xét xử Dương Chí Dũng, vụ án Vinashin xét xử Giang Kim Đạt. Trong các vụ án này, các cơ quan tố tụng đều xác định Dương Chí Dũng và Giang Kim Đạt ngoài hành vi phạm tội nguồn (tham ô) thì đều có thêm hành vi phạm tội “Rửa tiền” và về lý luận đã hoàn toàn thỏa mãn tội “Rửa tiền” chứ không phải không cấu thành tội “Rửa tiền”. Tuy nhiên, vấn đề miễn truy cứu TNHS đã được các cơ quan tố tụng áp dụng cho các trường hợp này (và miễn ngay ở giai đoạn điều tra chứ không phải được tuyên không phạm tội “Rửa tiền” ở giai đoạn xét xử) bởi tội phạm nguồn là tham ô đã có mức hình phạt rất cao, do đó, không cần thiết phải truy cứu TNHS thêm đối với hành vi Rửa tiền nữa.
Ông Hướng cho rằng, những vụ án đã xét xử nói trên xảy ra đúng thời điểm trước năm 2018 (năm mà Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực), vậy nên Phan Sào Nam hoàn toàn có thể được áp dụng tinh thần của nội dung này đối với tội “Rửa tiền” để xem xét giảm nhẹ mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.
“Trong lời luận tội, VKS đã đề nghị áp dụng cho Phan Sào Nam được hưởng tình tiết giảm nhẹ tự thú trong tội danh rửa tiền là hoàn toàn khách quan, như vậy Nam đã tự thú khai ra từ cuối năm 2017 trước khi khởi tố tội danh “Rửa tiền” đối với Phan Sào Nam, cho nên đối với hành vi “Rửa tiền” mà Phan Sào Nam bị truy tố, bản thân Phan Sào Nam cũng đã thừa nhận nhưng để nguyên tắc công bằng trong pháp luật hình sự (quy định tại Điều 3 BLHS) được áp dụng triệt để, quan điểm của tôi cho rằng, anh Nam xứng đáng được miễn hình phạt đối với tội Rửa tiền”- luật sư Hướng nói.
Đối đáp với phần trình bày trên của luật sư trên, đại diện VKS cho rằng, các luật sư trong phần bào chữa đã không có lời bào chữa nào về tội trạng của Phan Sào Nam cũng như việc áp dụng các tình tiết tăng nặng đối với bị cáo này mà chỉ đưa ra thêm các tình tiết để xem xét giảm nhẹ. Đây là các tình tiết có thể xem xét giảm nhẹ, do đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX xem xét.
HĐXX đề nghị VKS có ý kiến về việc luật sư đề nghị miễn trách nhiệm hình sự về tội "Rửa tiền" đối với Phan Sào Nam. Đại diện VKS đưa ra quan điểm "Chúng tôi đánh giá tính chất mức độ nghiêm trọng của vụ án này, thấy rằng việc đề xuất của luật sư cũng khó chấp nhận, nhưng khi lượng hình sẽ xem xét nhưng không thể miễn được".