Xử lý tài sản thế chấp: Gỡ khó cho ngân hàng, cách nào?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trao đổi với Báo Đấu thầu, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, các ngân hàng nên cẩn trọng trong thẩm định tài sản thế chấp. Khi phát sinh việc phải thu giữ tài sản bảo đảm, các ngân hàng nên chú trọng giải pháp thương lượng và hòa giải, đồng thời chuẩn bị đầy đủ căn cứ pháp lý của hợp đồng vay và tài sản bảo đảm.

Về hành lang pháp lý, cần hướng tới việc xây dựng luật về xử lý nợ xấu của cả nền kinh tế, trong đó quy định rõ quyền thu giữ tài sản bảo đảm của bên cho vay.

Luật sư Trương Thanh Đức

Luật sư Trương Thanh Đức

Nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) phàn nàn về sự phiền phức và nhọc nhằn trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm khi phát sinh nợ xấu. Ông nhìn nhận như thế nào về việc này?

Thanh lý tài sản bảo đảm là việc buộc phải làm của TCTD khi phát sinh nợ quá hạn. Việc xử lý tài sản bảo đảm ưu tiên nhất là đạt được thỏa thuận với bên vay. Tuy nhiên, trong trường hợp không đạt được đồng thuận, tranh chấp xảy ra thì bước tiếp theo là có bên trung gian hòa giải. Nếu không hòa giải được thì mới đến bước đưa ra tòa để giải quyết tranh chấp. Đặc thù của tòa án là bên kiện phải cung cấp đủ căn cứ pháp lý để chứng minh quá trình phê duyệt khoản vay và thẩm định tài sản thế chấp được thực hiện đúng quy định. Đã đến bước phải đưa ra tòa án thì quá trình xử lý tài sản bảo đảm của các ngân hàng không hề đơn giản.

Nhiều trường hợp người vay có nợ quá hạn cố tình không bàn giao tài sản bảo đảm khiến TCTD buộc phải thông qua tòa án để xử lý, quá trình này kéo dài và phần lớn là không thành công do bên vay nợ cố tình tạo tranh chấp về tài sản. Ý kiến của ông về trường hợp này?

Nếu làm đúng quy định về tài sản bảo đảm thì việc xử lý tài sản bảo đảm có thể thực hiện được, nhưng nhiều trường hợp bị kéo dài, thậm chí hàng năm vì bên nhận tài sản bảo đảm không cung cấp đủ căn cứ pháp lý theo yêu cầu. Trong nhiều trường hợp, do tòa án thiếu nguồn lực thực hiện các vụ việc nên kéo dài thời gian thực hiện. Không loại trừ trường hợp “nhũng nhiễu” của một số cá nhân thi hành án để kéo dài quá trình này, dẫn đến phiền toái cho ngân hàng.

Tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngành ngân hàng. Nguồn: CTCK MB

Tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngành ngân hàng. Nguồn: CTCK MB

Thời gian qua, có nhiều vụ việc “tài sản bảo đảm nhưng chưa chắc đã đảm bảo” khiến ngân hàng bế tắc khi khởi kiện tại tòa?

Đúng là có thực tế này, bởi quan hệ dân sự vẫn có thể phát sinh nhiều chiêu trò, phương thức lừa đảo. Chẳng hạn, có trường hợp bên A cho bên B vay tiền, bên A yêu cầu bên B thế chấp bằng sổ đỏ của bất động sản và ký hợp đồng ủy quyền công chứng. Sau đó, bên B làm thủ tục sang tên bất động sản đó cho bên C và bên C đem thế chấp ngân hàng để vay. Khi bên C không trả được nợ, ngân hàng tiến hành phát mãi tài sản để thu hồi nợ, nhưng bên A không đồng thuận và khởi kiện thì việc xử lý tại tòa án sẽ kéo dài.

Đó là rủi ro của ngân hàng khi vướng phải sự vụ như vậy và phải tiếp tục theo đuổi để chứng minh đủ căn cứ pháp lý trong việc thực hiện thủ tục về tài sản bảo đảm và cho vay. Quá trình này có thể sẽ kéo dài và tốn kém. Để giảm rủi ro, ngân hàng cần phải nâng cao quá trình thẩm định tài sản bảo đảm, tuân thủ đúng các quy định để bảo đảm quyền lợi của ngân hàng.

Nghị quyết 42/2017/QH14 cho phép các TCTD có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Quy định này sắp hết hạn vào ngày 31/12/2023. Theo ông, có nên luật hóa các quy định về thu giữ tài sản bảo đảm không?

Dự thảo Luật các TCTD (sửa đổi) đang được xây dựng bổ sung thêm 1 chương quy định về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm. Cơ quan soạn thảo sau khi tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội, cần sớm hoàn thiện Dự thảo Luật để được thông qua tại kỳ họp tới, tránh tạo khoảng trống pháp lý về xử lý nợ xấu với hoạt động ngân hàng. Trong trung hạn, giải pháp hợp lý nhất là xây dựng một luật chung để xử lý nợ xấu của nền kinh tế, trong đó trọng điểm là nợ xấu của các TCTD.

Theo Nghị quyết 42/2017/QH14, TCTD được thu giữ tài sản bảo đảm khi đáp ứng đủ 5 điều kiện:

- Khi xảy ra một trong các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều 299 Bộ luật Dân sự.

- Tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho TCTD có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật.

- Giao dịch bảo đảm hoặc biện pháp bảo đảm đã được đăng ký theo đúng quy định của pháp luật.

- Tài sản bảo đảm không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại tòa án có thẩm quyền; không đang bị tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; không đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật.

- TCTD đã hoàn thành nghĩa vụ công khai thông tin theo quy định.

Chuyên đề