Hơn 500 m3 gỗ trắc tang vật đã bị đem bán tháo khi vụ án chưa được xét xử với giá rẻ mạt (63 tỉ đồng). Ảnh: T.L |
Vụ việc xảy ra từ năm 2011, nhưng mãi đến tháng 10.2014, vụ án mới được đưa ra xét xử sơ thẩm, và phải đến tháng 5.2016 mới được tòa này đưa ra xét xử sơ thẩm lại lần 2. Và vụ án tiếp tục bị ngâm từ đó cho đến nay. Ngày 2.8, vụ án đã được TAND TP.Đà Nẵng đưa ra xét xử sơ thẩm lần thứ 3 với sự giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Trị, gồm ông Hoàng Đức Thắng - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh và ông Hà Sỹ Đồng - ĐBQH, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - trong một phiên xử dự kiến kéo dài 3 ngày.
Cáo trạng do Viện KSND TP.Đà Nẵng công bố ngày 2.8 có nội dung giống với cáo trạng đã công bố tại 2 phiên xử sơ thẩm trước đó. Có 5 bị can bị truy tố trong vụ án “Buôn lậu” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, gồm: Trần Thị Dung, Trương Huy Liệu (GĐ, PGĐ Cty TNHH MTV Ngọc Hưng, trụ sở tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị); Đỗ Lý Nhi, Lê Xuân Thành (Hải quan tỉnh Quảng Trị) và Đỗ Danh Thắng (Hải quan TP.Đà Nẵng).
Cáo trạng đã cáo buộc vợ chồng bị can Trương Huy Liệu tội buôn lậu đối với lô gỗ trắc 535m3 do Cty Ngọc Hưng nhập khẩu từ Lào vào Việt Nam qua CKQT Lao Bảo rồi xuất khẩu nguyên lô sang Hồng Kông (Trung Quốc) vào tháng 12.2011; cáo buộc các cán bộ hải quan có tên trên tội thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra vụ buôn lậu nêu trên.
Trong phần chất vấn từ ngày 2-3.8, các bị can đều đồng loạt kêu oan, cho rằng, lô gỗ trắc 535m3 có nguồn gốc nhập khẩu từ Lào về Việt Nam được mở tờ khai hải quan, nộp thuế và hoàn thành thủ tục nhập khẩu theo đúng quy định pháp luật Việt Nam và sau đó được xuất bán nguyên lô với đầy đủ thủ tục theo quy định xuất khẩu hàng hóa; không có bất cứ dấu hiệu, bằng chứng nào cho thấy có bỏ thêm gỗ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên của Việt Nam vào lô hàng.
Luật sư Nguyễn Trường Thành (Đoàn Luật sư TP.Cần Thơ) cho rằng, đây là phiên tòa rất đặc biệt khi lần đầu tiên có sự tham gia giám sát của một Đoàn ĐBQH của một tỉnh, và cũng là lần đầu tiên tại một vụ án mà vật chứng của vụ án đã bị đem bán một cách trái pháp luật ngay khi vụ án đang diễn ra, chưa kết thúc. Trả lời HĐXX ngày 2.8, bị can Trương Huy Liệu cho rằng, lô gỗ trắc tang vật có giá trị trên 300 tỉ đồng nhưng đã bị cơ quan điều tra đem bán với giá chỉ trên 60 tỉ đồng.