Tại phiên xét xử sơ thẩm vụ án "đánh bạc nghìn tỷ" chiều 22/11, HĐXX yêu cầu bị cáo Nguyễn Thanh Hóa (cựu Thiếu tướng, Cục trưởng Cục cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) - Bộ Công an) lên bục khai báo để trình bày phần tự bào chữa cho mình.
Đứng trước bục khai báo, bị cáo Hóa bất ngờ nhận tội. Theo đó, ông Hóa cho rằng những cáo buộc của Viện kiểm sát (VKS) về hành vi phạm tội cũng như tội danh của ông trong bản cáo trạng là đúng. Bị cáo Hóa chấp nhận với mức án mà VSK đề nghị từ 7 năm 6 tháng đến 8 năm.
Trước đó, tại phiên thẩm vấn chiều 20/11, bị cáo Hóa khai rằng, bản thân thiếu trách nhiệm nên dẫn đến hành vi phạm tội, không đồng ý truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Một chi tiết khác có trong lời khai của ông Hóa khi HĐXX thẩm vấn đó là, ông không thừa nhận Công ty CNC do bị cáo Nguyễn Văn Dương làm Chủ tịch HĐTV là công ty bình phong của C50 từ giai đoạn 2011 đến tháng 5/2015 (trước đó, trong bản tự khai ông Hóa đã xác nhận điều này).
Trở lại diễn biến phiên xử chiều 22/11, sau khi trình bày xong phần tự bào chữa, bị cáo Hóa về chỗ ngồi. Luật sư Đỗ Ngọc Quang (bào chữa cho bị cáo Hóa) lên trình bày bài bào chữa.
Luật sư Đỗ Ngọc Quang.
"Tuy nhiên, ngay tại phiên tòa này, Nguyễn Thanh Hóa lại đưa ra lời khai khác thể hiện bị cáo không nhận đã phạm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, mà cho rằng mình chỉ phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Sau khi VKSND tỉnh Phú Thọ luận tội, Nguyễn Thanh Hóa lại nhận mình phạm tội theo nội dung như VKS truy tố. Tôi cho rằng, sở dĩ Nguyễn Thanh Hóa có sự khai báo như trên là do ảnh hưởng của vết thương trên đầu" - Luật sư Quang phán đoán.
Ông Quang trình bày tiếp, năm 1971, trên đường đi bộ từ Bình Định ra miền Bắc, đoàn công tác của Nguyễn Thanh Hóa (lúc đó Nguyễn Thanh Hóa mới có 13 tuổi) đã bị máy bay địch tập kích. Nguyễn Thanh Hóa bị 3 vết thương ở đầu và vẫn còn 2 mảnh đạn trong đầu chưa lấy ra được. Do vậy, Nguyễn Thanh Hóa thường bị đau đầu liên tục, gây mất ngủ nhiều đêm. Ngay trong trại tạm giam, Nguyễn Thanh Hóa thường phải ngủ ngồi vì nằm xuống thì đau đầu.
"Tôi nói điều này mong HĐXX hiểu về cho tình trạng bệnh tật, sức khỏe ảnh hưởng đến việc khai báo lộn xộn của Nguyễn Thanh Hóa"- luật sư Quang nói.
Cựu tướng Nguyễn Thanh Hóa không biết sử dụng máy tính
Theo luật sư Quang, Bộ Công an quyết định thành lập Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Tổng cục Cảnh sát (có phiên hiệu là C50) vào năm 2010 nhằm phát hiện, điều tra, khám phá các tội phạm mạng, tội phạm sử dụng Internet. Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa khi đó là Cục phó Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46) được phân công giữ chức vụ Cục trưởng C50.
Ban đầu, Cục C50 chỉ có 30 cán bộ được tập hợp từ các đơn vị khác chuyển về; phương tiện kỹ thuật thì không có, trình độ hiểu biết công nghệ cao liên quan mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số của tất cả cán bộ gần như bằng không. 30 cán bộ này đưa về đơn vị được đào tạo tại Học viện Cảnh sát, mà trong Học viện này không có môn học nào về mạng máy tính, mạng Internet.
Ngay Nguyễn Thanh Hóa, dù giữ chức vụ Cục trưởng nhưng không có hiểu biết gì về mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số. Thậm chí, Nguyễn Thanh Hóa còn không biết sử dụng máy vi tính. Chính điều này đặt ra yêu cầu Cục C50 phải vừa làm, vừa học, vừa đào tạo, trước tiên phải có một đối tác là cơ quan, tổ chức hoặc công ty hoạt động trong lĩnh vực mạng, kỹ thuật số để giúp phát hiện các loại tội phạm mạng.
Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa tại tòa chiều 22/11.
Về dấu hiệu chủ quan của tội phạm, luật sư Quang thừa nhận, Nguyễn Thanh Hóa có những hành vi tạo điều kiện thuận lợi cho Nguyễn Văn Dương phạm tội "Tổ chức đánh bạc", được thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý. Điều này không thể bàn cãi.
Tuy nhiên, một vấn đề luật sư Quang không đồng tình với quan điểm luận tội của VKS, đó là cáo buộc Nguyễn Thanh Hóa làm trái công vụ được giao vì có động cơ vụ lợi, tạo nguồn thu từ hoạt động thí điểm của CNC để đầu tư, xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm. Theo luật sự, với nhiệm vụ chiến lược C50 được giao, thì động cơ dùng tiền đầu tư xây dựng hệ thống phòng thủ tội phạm mạng là tốt vì mang lại lợi ích quốc gia.
"Hành động không không thể hiện động cơ vụ lợi cho cá nhân Nguyễn Thanh Hóa mà là động cơ vụ lợi cho quốc gia, nên không thể coi dấu hiệu cấu thành tội phạm này có liên quan đến Nguyễn Thanh Hóa. Do vậy, không thể coi đây là động cơ phạm tội của bị cáo như cáo buộc của VKS" - luật sư Quang nêu quan điểm.
Cuối cùng, luật sư Quang cho rằng, mức án đề nghị đối với Nguyễn Thanh Hóa từ 7 năm 6 tháng tù đến 8 năm tù là quá cao.
"Đến hôm nay, Nguyễn Thanh Hóa đã thành khẩn nhận tội và thể hiện rõ sự ăn năn hối cải. Kính đề nghị HĐXX vận dụng khoản 1 Điều 54 BLHS 2015, giảm nhẹ hình phạt, cho bị cáo Nguyễn Thanh Hóa được hưởng mức án dưới khung hình phạt được áp dụng vì Nguyễn Thanh Hóa có 4 tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS 2015, trong khi điều kiện để giảm án chỉ đòi hỏi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ là được" - luật sư Quang đề nghị.