Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga |
"Cấp trên đưa danh sách thì không thể không làm theo!"
Trong phiên xử sáng 16/10 vụ gian lận điểm thi THPT 2018 ở Sơn La, HĐXX dành phần lớn thời gian để xét hỏi làm rõ hành vi sửa điểm bài thi của các bị cáo.
Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng) khai rằng, trước khi sửa bài thi, bị cáo Trần Xuân Yến (cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La) đã gọi Nga sang phòng riêng của Yến rồi đưa một danh sách các thí sinh và nói rằng: “Cứ làm đi vì năm nay có cả trường hợp của sếp, tức ông Hoàng Tiến Đức (cựu Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La)”. Nghe vậy, Nga liền nhận tờ danh sách cách thí sinh mà Yến đưa.
Theo cáo trạng, tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 vì động cơ vụ lợi cùng với việc lợi dụng chức vụ, các bị can đã cùng nhau nâng điểm cho 44 thí sinh.
Các bị cáo đã thực hiện hành vi sai phạm trong 4 ngày, từ 29/6 đến 3/7/2018. Đầu tiên, tổ xử lý bài thi trắc nghiệm do bị can Trần Xuân Yến (phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La) làm tổ trưởng đã không niêm phong để dễ lấy bài thi ra sửa.
Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga sau đó rút bài thi theo danh sách các thí sinh được nhờ sửa điểm bằng hai cách. Thứ nhất, đối chiếu đáp án sửa từng câu, câu nào sai thì tẩy đi và dùng bút chì tô lại vào ô đáp án đúng sao cho số điểm đạt yêu cầu nhờ nâng. Thứ hai, tẩy toàn bộ ô tròn phần trả lời sau đó tô lại phần trả lời theo đáp án đúng.
Sửa xong, bị cáo Nga và Đặng Hữu Thủy (phó hiệu trưởng trường THPT Tô Hiệu) xóa hết các bài thi gốc từng môn và đẩy ảnh các bài thi đã quét lại vào thư mục tương ứng từng môn, điểm thi. Mỗi lần quét lại, bị cáo Nga đều thay đổi hệ thống giờ trên máy tính để phù hợp với thời gian quét ảnh bài thi gốc trước đó. Quá trình sửa bài đều được hai cán bộ công an Đỗ Khắc Hưng và Đinh Hải Sơn hỗ trợ mở cửa Phòng xử lý bài thi trắc nghiệm.
Trong suốt hơn 1 giờ trả lời thẩm vấn tại tòa, bị cáo Nga trả lời rõ ràng về các ngày sửa điểm bài thi. Bị cáo khai ngày 29/6/2018 tổng hợp danh sách các thí sinh cần sửa bài thi nâng điểm theo địa điểm thi, sau đó mang danh sách này đến phòng xử lý bài thi trắc nghiệm tại trường THCS Quyết Thắng, thành phố Sơn La.
Chiều cùng ngày, Nga bảo Cầm Thị Bun Sọn chọn các túi bài thi của điểm thi trường THPT Tô Hiệu, điểm thi có nhiều bài thi cần nâng điếm quét trước. Sau khi mở niêm phong, Nga và Đặng Hữu Thủy tiến hành quét bài thi, quét xong không niêm phong lại theo đúng quy chế để rút bài thi của các thí sinh sửa nâng điếm.
Giữa buổi làm việc, Nga gặp cán bộ công an Đỗ Khắc Hưng đặt vấn đề: Hết giờ làm việc cho tổ xử lý bài thi ở lại rút sửa bài thi cho thí sinh. Hưng đồng ý. Hết giờ làm việc, Nga, Thuỷ, Sọn được Hưng cho vào phòng xử lý bài thi trắc nghiệm. Sau khi rút được các bài thi, cả ba thống nhất mang về nhà riênng của Thủy ở thành phố Sơn La để sửa bài thi.
Toàn cảnh phiên xét xử sáng nay 16/10
“Buổi sửa bài thi tiếp theo diễn ra như thế nào?”, chủ toạ hỏi. Bị cáo Nga cho hay, khoảng 20h ngày 30/6/2018 Nga, Thủy đi xe máy còn Huynh đi ôtô đến điểm chấm thi. Huynh gặp cán bộ công an Đinh Hải Sơn trao đổi cho cả nhóm lên phòng chấm thi. Sơn đồng ý và mở cửa sắt cầu thang tầng một và đưa chìa khóa phòng xử lý bài thi trắc nghiệm cho Nga. Cả nhóm sau đó lại cùng nhau đưa bài về nhà Thuỷ để sửa.
Việc đem bài thi về nhà Thuỷ do ai đề xuất?”, HĐXX truy vấn. Bị cáo Nga nói do sợ sửa bài ngay tại điểm thi sẽ dễ bị phát hiện nên đề xuất đưa về nhà ông Thuỷ để sửa và được đồng ý.
“Tại sao bị cáo lại nhận danh sách các thí sinh để sửa điểm”, HĐXX hỏi. Bị cáo Nga cho rằng cấp trên đưa danh sách thì không thể không cầm và làm theo. Ngoài quan hệ cấp trên, cấp dưới, bị cáo không có mục đích nào khác...
Biết nhận tiền là sai nhưng vì đã làm việc quá vất vả (?!)
Trong quá trình điều tra, một số bị cáo khai đã nhận hàng tỉ đồng sau khi thực hiện hành vi phạm tội. Trong đó, Nguyễn Thị Hồng Nga nhận 1,040 tỉ đồng để nâng điểm cho bốn thí sinh; Cầm Thị Bun Sọn nhận 440 triệu đồng để nâng điểm cho một thí sinh; Lò Văn Huynh nhận 1,3 tỉ đồng để nâng điểm cho ba thí sinh; Đặng Hữu Thủy nhận 500 triệu đồng để nâng điểm cho bốn thí sinh. Hiện tại toàn bộ số tiền trên đã được trả lại hoặc giao nộp cho cơ quan công an.
VKS xác định dù các bị cáo khai có nhận tiền nhưng những người được cho là đưa tiền lại đều phủ nhận, do đó không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội đưa, nhận và môi giới hối lộ. Số tiền các bị cáo giao nộp là do vụ lợi mà có.
Đáng chú ý, trong phiên xét hỏi sáng nay, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga khai rằng, việc nhận tiền từ những người nhờ nâng điểm là do họ chủ động “cảm ơn” chứ không phải do Nga đề xuất để nâng điểm cho các thí sinh.
“Bị cáo tự ý thức được việc nhận tiền cảm ơn từ những người nhờ nâng điểm này là sai, nhưng vì thời buổi bây giờ, bị cáo nhận thấy mình cũng đã làm việc quá vất vả nên “đành” nhận số tiền đó”, Nga khai vậy.