Xây dựng nghị quyết mới cho phát triển kinh tế - xã hội Thái Nguyên

(BĐT) - Ngày 20/6/2019, Tỉnh ủy Thái Nguyên vừa phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại Hội nghị
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại Hội nghị

Việc tổng kết thực hiện Nghị quyết sẽ là cơ sở quan trọng để xây dựng báo cáo, trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh của vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; là cơ sở quan trọng để Thái Nguyên và các địa phương trong vùng xây dựng Nghị quyết Đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 2020 – 2025 và hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Theo báo cáo của tỉnh Thái Nguyên, sau 15 năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2004-2018 tăng 12,8%/năm, giai đoạn 2004-2008 là 10,73%, giai đoạn 2014 đến nay là 20,13%; trong đó năm 2015 tăng cao nhất là 33,2%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ; giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2004 đạt 3.511 tỷ đồng, năm 2018 đạt 55.188 tỷ đồng (gấp 15,7 lần). Năm 2004, kim ngạch xuất khẩu đạt 29,224 triệu USD, đến năm 2018 đạt 25.066,2 triệu USD, gấp 857 lần. Năm 2018, Thái Nguyên là tỉnh đứng đầu vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và đứng thứ 4 cả nước về kim ngạch xuất khẩu, đóng góp 10,2% vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2004 đạt 432,2 tỷ đồng, năm 2018 đạt 15.023 tỷ đồng (gấp 34,7 lần), tăng bình quân trên 26,3%/năm. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác về cơ bản đều hoàn thành và vượt kế hoạch giao hàng năm và kế hoạch 5 năm.

Tuy nhiên, đánh giá về những tồn tại, hạn chế, tỉnh Thái Nguyên cho biết, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế còn thấp; các ngành kinh tế chủ yếu sử dụng nhiều lao động; phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài, khu vực doanh nghiệp trong nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn; ngân sách địa phương dành cho đầu tư phát triển còn hạn hẹp.

Sản xuất nông nghiệp phát triển chưa thật sự bền vững; tỷ trọng đóng góp của lĩnh vực thương mại, dịch vụ trong cơ cấu kinh tế chưa cao; thiếu các sản phẩm du lịch có chất lượng. Công tác quy hoạch chưa đồng bộ, chất lượng một số quy hoạch chưa cao, thiếu tính khả thi, còn phải điều chỉnh, bổ sung nhiều. Một số tuyến đường chất lượng thấp, chiều rộng hẹp, đang xuống cấp. Cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa và trang thiết bị tuy đã được ưu tiên đầu tư nhưng so với nhu cầu còn thiếu, chưa đồng bộ nhất là ở cấp xã, cấp huyện.

Trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị đề nghị, tỉnh Thái Nguyên căn cứ vào các lợi thế, tiềm năng của địa phương đề xuất phát triển những ngành, lĩnh vực mà địa phương có thế mạnh, có thể là “cực tăng trưởng”, có tác động lan tỏa đối với toàn vùng.

Tỉnh cần nghiên cứu đề xuất cơ chế hợp tác, liên kết vùng để phát huy tiềm năng thế mạnh của tỉnh và cả vùng. Thu hút đầu tư nước ngoài FDI phù hợp với đặc thù của đất nước nói chung và Thái Nguyên nói riêng, nâng cao sức lan tỏa của khu vực FDI theo hướng có các doanh nghiệp phụ trợ trong nước tham gia để nâng cao giá trị cho quốc gia. Quan tâm phát triển các thành phần kinh tế trong đó có kinh tế tư nhân, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp để xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ cả ở cấp quốc gia và các địa phương.

Chuyên đề