Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù nâng tầm phát triển Thừa Thiên Huế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa công bố lấy ý kiến Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Một trong những nhóm chính sách quan trọng tại Dự thảo Nghị quyết là chính sách huy động vốn đầu tư phát triển. Theo quy định tại Ngân sách nhà nước 2015, tỉnh Thừa Thiên Huế được áp dụng mức dư nợ vay không quá 20% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp 5 (khoảng 1.293 tỷ đồng/năm tính theo ngân sách tỉnh hưởng theo phân cấp năm 2019). Tuy nhiên, nhu cầu đầu tư xây dựng phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là rất lớn (dự kiến khoảng 10.000 tỷ đồng/năm, trong đó vốn trùng tu, bảo tồn di tích khoảng 1.000 tỷ đồng/năm). Trong khi, thu ngân sách của địa phương còn gặp nhiều khó khăn, nguồn lực hỗ trợ của Trung ương và các nguồn vốn huy động khác có mặt còn hạn chế nên cân đối ngân sách địa phương không thể đáp ứng được nhu cầu phát triển khi Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Để tạo điều kiện cho địa phương có cơ chế huy động thêm nguồn lực để thực hiện các dự án trùng tu, bảo tồn di sản, di tích lịch sử và thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, tạo động lực thực hiện nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, Dự thảo Nghị quyết quy định chính sách đặc thù về huy động vốn đầu tư phát triển. Cụ thể, mức dư nợ vay của ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế không vượt quá 40% với thu ngân sách Tỉnh được hưởng theo phân cấp. Thu ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế được xác định trên cơ sở dự toán thu ngân sách Tỉnh được Quốc hội quyết định của năm dự toán. Tổng mức vay và bội chi ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Theo Bộ KH&ĐT, việc đề xuất mức dư nợ vay tối đa là 40% (tương đương mức dư nợ vay khoảng 2.587 tỷ đồng) sẽ giúp địa phương đảm bảo trần vay nợ để triển khai các dự án đã và đang thực hiện; chủ động cân đối nguồn lực trong kế hoạch đầu tư công.

Dự thảo Nghị quyết cũng bao gồm các chính sách về Phí tham quan di tích; về Huy động nguồn lực thông qua thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế; chính sách Để lại nguồn thu từ sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý.

Thời gian dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Nghị quyết vào kỳ họp lần thứ hai của Quốc hội khóa XV.

Chuyên đề