WB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định ở mức 6,4% trong giai đoạn 2018-2019. |
Theo Báo cáo cập nhật Kinh tế khu vực Đông Á, Thái Bình Dương tháng 10/2017 của World Bank (WB), kinh tế Việt Nam năm nay vẫn tiếp đà tăng trưởng ở mức khoảng 6,3% nhờ các ngành chế biến, chế tạo hướng đến xuất khẩu và nhu cầu trong nước tăng mạnh. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn mục tiêu tăng trưởng 6,7% mà Chính phủ đang phấn đấu thực hiện.
WB cho biết, dù suy giảm nhẹ, đặc biệt trong quý I/2017, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục thể hiện đà tăng trưởng khá vững chắc. GDP 6 tháng đầu năm ước tăng 5,7% so với cùng kỳ - tương đương với mức tăng 6 tháng đầu năm ngoái.
Sản lượng khai khoáng giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2016, chủ yếu do các mỏ dầu của Việt Nam đang trong giai đoạn suy giảm sản lượng tự nhiên và việc khai thác ngày càng trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, các lực đẩy như nhu cầu nội địa và công nghiệp chế biến, chế tạo lại tăng trưởng tốt.
Ngành dịch vụ tăng 6,9% nhờ bán lẻ tăng mạnh do tiêu dùng trong nước tăng. Sản xuất công nghiệp, trừ khai khoáng, tăng trưởng mạnh. Trong đó, công nghiệp chế tạo tăng 10,5% trong nửa đầu năm 2017, phần lớn nhờ khu vực đầu tư nước ngoài hướng về xuất khẩu. Nông nghiệp cũng hồi phục dần sau tình trạng hạn hán và xâm mặn năm ngoái - đạt mức tăng trưởng 2,7%.
Nhờ kinh tế hồi phục, thị trường lao động cũng sôi động khi bổ sung thêm hơn 270.000 việc làm thường xuyên trong quý đầu năm nay. Lương thực tế tăng 4,5% trong quý I, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái trong tất cả các ngành. Trong đó, lao động tay nghề thấp tại địa bàn nông thôn được hưởng lợi nhiều nhất. Do vậy, tỷ lệ nghèo dự kiến giảm, nhất là tại các khu vực nông thôn.
Trong trung hạn, tốc độ tăng trưởng sẽ ổn định quanh mức 6,4% ở giai đoạn 2018–2019, đi kèm với ổn định kinh tế vĩ mô nói chung. Tỷ lệ nghèo sẽ tiếp tục giảm trong điều kiện không có những diễn biến bất lợi về thiên tai.
Tuy nhiên, WB cho rằng, nếu muốn duy trì đà tăng trưởng, Việt Nam phải củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, tái tạo khoảng đệm chính sách và coi đây là ưu tiên hàng đầu. Đồng thời, Việt Nam cần giảm thâm hụt tài khóa, đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, vận hành tốt thị trường yếu tố sản xuất (đất đai, vốn), giải quyết khoảng cách về giới trong trả công lao động...