Vượt gió ngược, Việt Nam mạnh lên sau đại dịch

(BĐT) - Việt Nam đã vượt qua những "cơn gió ngược", đã mạnh lên sau đại dịch, Chính phủ đã đi đúng hướng và kịp thời… là những nhận định từ các chuyên gia tại Tọa đàm Kinh tế Việt Nam vượt những "cơn gió ngược" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 5/10/2023. Các chuyên gia cũng cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất trong năm 2023, cần có sự đột phá nhanh trong các động lực chính của tăng trưởng.
Tọa đàm Kinh tế Việt Nam vượt những "cơn gió ngược" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 5/10/2023. Ảnh: VGP

Tọa đàm Kinh tế Việt Nam vượt những "cơn gió ngược" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 5/10/2023. Ảnh: VGP

Vượt nhiều "cơn gió ngược"

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương, tăng trưởng GDP quý III/2023 đạt 5,33% là con số rất tích cực so với cùng kỳ năm ngoái và kết quả này đã bù cho kết quả các quý trước; 9 tháng đầu năm đạt kết quả tăng trưởng GDP 4,24%. Có thể thấy, Việt Nam đã đạt kết quả tăng trưởng GDP khá cao so với các nước khác.

Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, điều kiện bên ngoài khó khăn hơn, nhu cầu đối với hàng công nghiệp, xuất khẩu hàng hóa giảm, giá hàng hóa cao và điều kiện tài chính toàn cầu bị thắt chặt. Tất cả những điều này đang tạo ra những "cơn gió ngược", là các nguyên nhân chính dẫn đến tốc độ tăng trưởng chậm hơn.

Dự báo của ADB công bố vào tháng 9/2023 cho thấy, Việt Nam vẫn sẽ dẫn đầu tăng trưởng tại khu vực Đông Nam Á, đạt mức 5,8% cho năm 2023, giảm so với năm ngoái nhưng vẫn là con số đáng được ghi nhận. Theo Ấn phẩm ADOU 2023 gần đây của ADB, dự báo tăng trưởng khu vực được điều chỉnh giảm xuống 4,7% cho năm 2023 và duy trì ở mức 4,8% cho năm 2024. Việt Nam không phải nước duy nhất ADB hạ mức dự báo tăng trưởng. Trong khu vực Đông Nam Á, hiệu quả kinh tế hầu như yếu hơn trên toàn khu vực.

Đại diện ADB nhấn mạnh đến cách nền kinh tế và Chính phủ Việt Nam ứng phó với những thách thức, điều hành kinh tế vĩ mô và đạt được những thành quả. Năm nay, kể cả GDP không đạt được như kỳ vọng nhưng vẫn cho thấy xu hướng tích cực. Nếu so sánh với các nước trong khu vực Đông Nam Á, rõ ràng Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ.

"Chúng tôi đánh giá cao những phản ứng chính sách chủ động của Chính phủ, cân bằng ổn định kinh tế vĩ mô với hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy đầu tư công. Cho đến nay, Chính phủ đã đi đúng hướng và kịp thời", ông Shantanu Chakraborty chia sẻ.

Còn theo TS. Vũ Minh Khương - Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore, Việt Nam có mạnh lên sau đại dịch hay không là một vấn đề rất nhiều nhà nghiên cứu quốc tế cũng như chính khách quốc tế quan sát. Và rõ ràng, Việt Nam mạnh lên sau đại dịch.

Đánh giá cao điều hành của Chính phủ thời gian qua, TS. Vũ Minh Khương dẫn chứng: "Trong vấn đề xuất khẩu gạo, phải nói Việt Nam rất bản lĩnh, mà thế giới đang khen ngợi. Mình không chỉ vì mình mà vì cả thế giới. Nếu Việt Nam cũng rối loạn và cấm xuất khẩu gạo thì chắc chắn mất điểm. Đây là bản lĩnh của Chính phủ trong thời gian vừa rồi. Về mặt điều hành vĩ mô, trong bối cảnh có nhiều rủi ro, nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn nhưng rất vững vàng trong điều hành tỷ giá, lãi suất".

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: VGP

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: VGP

Cần sự đột phá trong các động lực chính của tăng trưởng

Nói về kịch bản tăng trưởng quý IV và cả năm, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, các kịch bản đưa ra không phải kịch bản dự báo, mà là kịch bản để điều hành. Bộ KH&ĐT đã tham mưu, báo cáo Chính phủ 3 kịch bản tăng trưởng, trong đó kịch bản thấp là 5%, kịch bản giữa là 5,5%, kịch bản cao là 6%. Bất kỳ kịch bản nào đều cần sự nỗ lực, cố gắng lớn. Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng, Việt Nam phấn đấu đạt kết quả cao nhất có thể trong năm 2023.

Đồng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, cần nhận định rõ bản chất kịch bản của Chính phủ. Đây là kịch bản điều hành để ra quyết sách, giải pháp, không phải là thực thi vai trò một tổ chức dự báo về tăng trưởng. Khi nhìn vào 3 kịch bản và điều hành của Chính phủ từ những năm trước cho đến nay, với quyết tâm, hành động, mong muốn của Chính phủ trong suốt thời gian qua và nỗ lực ngày càng lớn, việc lựa chọn kịch bản cao nhất là hợp lý, cần thiết lúc này trong điều hành kinh tế từ nay đến cuối năm. Hàm ý là Việt Nam phải nỗ lực cao hơn, cao nhất có thể.

Nói về các giải pháp để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng theo kịch bản cao nhất là 6% như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, tất cả các giải pháp đã đề ra từ đầu năm đến nay cũng như giải pháp tức thì trong 3 tháng cuối năm đều để cố gắng đạt các chỉ tiêu tốt nhất. Nếu tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 6%, quý IV cần tăng 10,6%. Việt Nam đã chứng kiến con số 10% trong quý III/2022 so với nền âm của cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, Việt Nam có thách thức là nền tăng trưởng quý IV/2022 khá cao, do vậy kết quả tăng trưởng 10,6% trong quý IV/2023 là thách thức rất lớn, đòi hỏi có sự đột phá trong các động lực chính của tăng trưởng, đặc biệt là từ phía cung.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, tăng trưởng quý IV phụ thuộc nhiều vào tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành xuất khẩu lớn của Việt Nam là sản phẩm điện tử. Nếu có sự gia tăng nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn, chủ lực thì Việt Nam có thêm động lực quan trọng. Liên quan đến xuất khẩu, Việt Nam phụ thuộc vào thị trường quốc tế. Mặc dù vậy, doanh nghiệp cũng đang nỗ lực, cố gắng để tìm kiếm đơn hàng dịp cuối năm, gia tăng sản lượng, hỗ trợ người lao động có việc làm, thu nhập.

Về cầu, đầu tư tiếp tục tăng trưởng dương nhưng tăng trưởng tiêu dùng hiện vẫn yếu. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ mới đạt 9%. Đối với các thời kỳ Việt Nam có mức độ tăng trưởng cao thì lĩnh vực này phải lên tới 12 - 13%. Như vậy, phải có giải pháp để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước. Hoạt động du lịch, tiêu dùng trong nước dịp cuối năm và cận kề Tết Nguyên đán 2024 là cơ sở để kỳ vọng thị trường trong nước cũng sẽ là trụ đỡ cho tăng trưởng.

Theo ông Shantanu Chakraborty, với những nỗ lực lớn từ Chính phủ, mục tiêu mà Chính phủ điều chỉnh, đặt ra có thể đạt được.

Ông Shantanu Chakraborty nhấn mạnh còn nhiều điểm có thể được cải thiện hơn nữa, đơn cử như đầu tư công còn nhiều dư địa. Việc thực thi chính sách tài khóa tuy đã được đẩy nhanh trong những tháng gần đây nhưng vẫn có thể được đẩy mạnh hơn nữa để tăng cường cầu trong nước và kích thích các hoạt động kinh tế. Lạm phát đang được Việt Nam kiểm soát tốt, tiêu dùng trong nước thúc đẩy tăng trưởng mạnh trong 3 tháng cuối năm, các hoạt động về sản xuất, chế tạo, nông nghiệp tăng trưởng tốt, triển vọng FDI sáng và nhiều ngành khác đang trên đà phục hồi mạnh mẽ cũng sẽ là động thực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam.

Theo TS. Vũ Minh Khương, hiện giờ cái khó rất lớn của thế giới là tăng trưởng sẽ có ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Nguyên nhân không phải chỉ vấn đề nhu cầu thế giới suy giảm. "Rõ ràng mô hình mở rộng theo kiểu cũ (thêm 1 nhà máy may, thêm 1 nhà máy thép) hết rồi, bây giờ phải làm sao nâng cấp, cất cánh lên, nhưng không thể ngày một ngày hai được. Đây là vấn đề chúng ta phải suy nghĩ, đòi hỏi vai trò của Chính phủ trong thời gian sắp tới", TS. Vũ Minh Khương chỉ ra.

Chuyên đề