UBND TP. Hà Nội sử dụng quyền thuê đất trả tiền hàng năm để góp vốn liên doanh không đúng quy định tại khu đất 152 Thụy Khuê của Công ty TNHH NN MTV Giầy Thụy Khuê. Ảnh: Trần Tiến |
Tùy tiện góp vốn
Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018 về niên độ ngân sách năm 2017 vừa được Kiểm toán Nhà nước gửi đến Quốc hội chỉ ra hàng loạt sai sót của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết.
Tại Hà Nội, UBND TP. Hà Nội sử dụng quyền thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm để góp vốn liên doanh không đúng quy định tại Điều 111, Luật Đất đai 2003 tại khu đất 152 Thụy Khuê của Công ty TNHH NN MTV Giầy Thụy Khuê; chưa tính đầy đủ lợi thế quyền thuê đất trả tiền hàng năm vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, trong khi doanh nghiệp sử dụng lợi thế quyền thuê đất trả tiền hàng năm để góp vốn.
Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh, Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội chưa xây dựng phương án sử dụng tài sản nhà đất liên kết, hợp tác kinh doanh, cho thuê để báo cáo cơ quan quản lý cấp trên cho ý kiến.
Hai đơn vị này cũng chưa có văn bản thống nhất xin ý kiến của Bộ Tài chính và UBND cấp tỉnh về việc sử dụng tài sản nhà nước để liên doanh, liên kết và quyết định cho phép liên doanh, liên kết tại trụ sở Báo Lao động khu vực phía Nam (liên kết với Công ty CP Nguyễn Kim), Khách sạn Công đoàn Thanh Hóa (liên kết với Công ty CP Du lịch và Thương mại Lam Sơn), Trung tâm Hội nghị Công đoàn khu vực miền Trung - Tây Nguyên (liên kết với Công ty CP Lã Vọng).
Trụ sở Báo Lao động khu vực phía Nam là đất trụ sở được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất. Năm 2015, Báo Lao động đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh góp vốn khi chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có 21 đơn vị sử dụng tài sản thực hiện liên kết kinh doanh. Trong đó, 11 đơn vị chưa lập phương án sử dụng tài sản liên kết, chưa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chấp thuận cũng như chưa được Bộ Tài chính thông qua theo quy định; hoạt động liên kết tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia chưa phù hợp với đề án được duyệt.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia liên kết kinh doanh quán bia hơi chưa đúng mục đích và đã bị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu chấm dứt kinh doanh.
Vẫn lúng túng
Những sai sót nêu trên vẫn đang tiếp tục được các bên xử lý. Về cơ sở pháp lý, quy định về sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết được đề cập rõ tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.
Văn bản này từng được kỳ vọng sẽ là hàng lang pháp lý hữu hiệu để quản lý, sử dụng tài sản công. Đáng chú ý, nội dung này cũng được hướng dẫn tại Nghị định 151/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, cụ thể là tại Điều 42 về quản lý, sử dụng tài sản gắn liền với đất và giá trị quyền sử dụng đất tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.
Dù vậy, trong quá trình triển khai, một số địa phương cho biết vẫn còn nhiều trở ngại. Theo ông Trần Văn Miên, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, việc sử dụng tài sản công là các trụ sở công để thực hiện liên doanh, liên kết theo chủ trương xã hội hóa đang được thực hiện song vẫn còn nhiều lúng túng.
“Một số bệnh viện muốn thành lập công ty cổ phần bệnh viện bằng việc dùng tài sản công của bệnh viện để góp vốn cổ phần nhưng nội dung này chưa được quy định. Do ngân sách hạn chế nên các cơ sở y tế của Đà Nẵng muốn mở rộng hoạt động bằng cách góp vốn bằng tài sản công nhưng đến nay vẫn gặp khó khăn. Chúng tôi rất mong các quy định pháp lý tạo điều kiện tốt hơn để chúng tôi có thể thực hiện được”, ông Miên nói.
Cùng gặp trở ngại trong công tác này, đại diện TP.HCM, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn rõ thêm về thời hạn thực hiện việc liên doanh, liên kết bằng tài sản công. Bên cạnh đó, nội dung về việc góp vốn liên doanh liên kết bằng giá trị thương hiệu cũng cần được làm rõ hơn, đặc biệt là cách xác định giá trị thương hiệu.
Từ phía cơ quan xây dựng chính sách, ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính nói: “Việc sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết trong kinh doanh là một nội dung đã được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, vẫn còn một số khó khăn do thiếu hướng dẫn. Nội dung này sẽ tiếp tục được lấy ý kiến từ nhiều bên có liên quan để nghiên cứu bổ sung, sửa đổi phù hợp trong thời gian tới”.