Vướng mắc cơ chế chia sẻ rủi ro giảm doanh thu dự án PPP: Vẫn là câu hỏi tiền đâu?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Nhà nước khẳng định sẽ chia sẻ với nhà đầu tư trong trường hợp giảm doanh thu. Cơ chế này được giới đầu tư đánh giá cao, nhưng còn vướng mắc để thực thi hiệu quả. Theo nhà đầu tư, chuyên gia, ngoài vấn đề quy trình phức tạp, nguồn vốn để hiện thực hóa nghĩa vụ của Nhà nước khi phát sinh rủi ro giảm doanh thu lại rất mong manh, khiến nhà đầu tư còn e ngại tham gia.
Nhiều nước thành lập một quỹ riêng hoặc có dòng ngân sách lớn để thực hiện nghĩa vụ của Nhà nước tại các dự án PPP. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều nước thành lập một quỹ riêng hoặc có dòng ngân sách lớn để thực hiện nghĩa vụ của Nhà nước tại các dự án PPP. Ảnh: Lê Tiên

Điều 82 Luật PPP quy định chi phí xử lý cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu được sử dụng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương đối với dự án do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác quyết định chủ trương đầu tư hoặc dự phòng ngân sách địa phương đối với dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư.

Theo Bộ Tài chính, quá trình tham gia thẩm định các báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (BCNCTKT) dự án PPP mới có đề xuất áp dụng cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu cho thấy vẫn còn một số vướng mắc, như quy định về điều kiện, tiêu chí để cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu giảm còn chung chung; trách nhiệm bố trí nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đối với các dự án thuộc phạm vi quản lý của nhiều cơ quan có thẩm quyền còn chưa rõ, gây lúng túng trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, quy định phải thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối, bố trí nguồn dự phòng ở giai đoạn thẩm định BCNCTKT là không khả thi, do không xác định được khả năng cân đối nguồn vốn trong tương lai tại thời điểm thẩm định BCNCTKT.

Về pháp lý, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại Điều 10 Luật Ngân sách nhà nước (NSNN), dự phòng ngân sách được sử dụng để chi cho các nhiệm vụ cấp bách, chưa được dự toán nhằm đáp ứng kịp thời các nhu cầu chi trong các trường hợp quan trọng, khẩn cấp. Trong khi đó, việc xử lý doanh thu giảm của dự án PPP không phải là nhiệm vụ cấp bách và được xác định trên cơ sở các quy định tại hợp đồng dự án PPP. Do đó, quy định sử dụng dự phòng NSNN để thanh toán các khoản chi phí phát sinh khi áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu giảm trong các hợp đồng PPP theo quy định của Luật PPP là chưa phù hợp với tính chất của nguồn dự phòng NSNN.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đánh giá quy định về sử dụng nguồn dự phòng NSNN trong trường hợp chia sẻ rủi ro về doanh thu chưa khả thi do thiếu đồng bộ với pháp luật về NSNN, đầu tư công. Tính chất khoản chi dự phòng trong trường hợp chia sẻ rủi ro về doanh thu thuộc trách nhiệm của Nhà nước chỉ phát sinh khi xuất hiện các điều kiện đã xác định trước và cần được thực hiện ngay. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật NSNN hiện hành, việc xử lý ngay là không thể do chưa có kế hoạch, dự toán.

Quy định về sử dụng nguồn dự phòng ngân sách nhà nước trong trường hợp chia sẻ rủi ro về doanh thu của dự án PPP chưa khả thi do thiếu đồng bộ với pháp luật về ngân sách nhà nước, đầu tư công. Ảnh: Nhã Chi

Quy định về sử dụng nguồn dự phòng ngân sách nhà nước trong trường hợp chia sẻ rủi ro về doanh thu của dự án PPP chưa khả thi do thiếu đồng bộ với pháp luật về ngân sách nhà nước, đầu tư công. Ảnh: Nhã Chi

Từ thực tế, ông Lê Việt Thắng, Giám đốc Ban Đầu tư Tập đoàn Đèo Cả cho biết, cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu còn vướng về nguồn vốn để thực hiện nghĩa vụ của Nhà nước. Nhiều địa phương cho biết, nguồn dự phòng của địa phương rất thấp, phải ưu tiên chi cho các nhiệm vụ cấp bách, không đồng ý bố trí cho việc chia sẻ rủi ro doanh thu tại dự án PPP. Điều này gây nhiều khó khăn cho nhà đầu tư khi đàm phán với ngân hàng.

Sử dụng nguồn dự phòng NSNN còn vướng mắc, Bộ Tài chính kiến nghị nghiên cứu theo hướng bố trí vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của bộ, ngành, địa phương để xử lý các nghĩa vụ tài chính của Nhà nước phát sinh từ cơ chế chia sẻ giảm doanh thu, chấm dứt hợp đồng PPP trước thời hạn.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia về PPP, về mặt pháp lý, cả nguồn dự phòng NSNN hay một dòng vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đều khó để bố trí ngay khi phát sinh rủi ro về doanh thu. Việc dùng vốn đầu tư công tuy bảo đảm có nguồn nhưng lại không linh hoạt vì đây là rủi ro chưa chắc đã xảy ra nên không lập kế hoạch được...

Với nhiều năm kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực PPP, Luật sư Trần Duy Hưng, Giám đốc điều hành Công ty Monitor Consulting chia sẻ, theo kinh nghiệm quốc tế, dòng tiền để thực hiện các nghĩa vụ của Nhà nước khi thực hiện dự án PPP phải bảo đảm tính chủ động, sẵn có, linh hoạt, kịp thời thì thị trường và doanh nghiệp mới có thể yên tâm đầu tư. Không có một nhà đầu tư nào đi đầu tư dựa trên một giả định rất mong manh, khó thực hiện. Nhiều nước triển khai thành công đều có nguồn rất chủ động, có thể dưới dạng lập một quỹ riêng như quỹ đầu tư về hạ tầng hoặc có dòng ngân sách lớn trích từ tổng kế hoạch đầu tư về phát triển hạ tầng quốc gia do một bộ quản lý, để dùng riêng cho chương trình PPP. Trên hết, ông Hưng cho rằng, việc hình thành quỹ hay dòng ngân sách riêng phải có chủ trương lớn từ các cấp thẩm quyền. Với các vướng mắc hiện nay, nếu tất cả các bên cùng nhìn về một hướng, cùng quan điểm muốn thúc đẩy PPP thì sẽ xử lý được.

Nhìn lại quá trình xây dựng Luật PPP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề cập nghiên cứu dòng ngân sách riêng hoặc thành lập quỹ để thực hiện các nghĩa vụ nợ dự phòng của Nhà nước bởi tính linh hoạt, hiệu quả, nhưng vào thời điểm đó, do các điều kiện về pháp lý chưa cho phép nên chưa được cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận quy định cụ thể tại Luật PPP.

Tuy nhiên, hiện nay, theo nhiều ý kiến, các dự án PPP dự kiến được áp dụng cơ chế chia sẻ giảm doanh thu đang thiếu quy định về trình tự, thủ tục sử dụng dự phòng NSNN để có căn cứ pháp lý khi thực hiện. Vì vậy, cần nghiên cứu đề xuất được phương án xử lý phù hợp trong giai đoạn tới cho các dự án PPP phát sinh chi phí chia sẻ rủi ro hoặc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

Chuyên đề