Từ thời điểm Luật PPP có hiệu lực thi hành (1/1/2021) đến tháng 11/2022, hơn 58.574 tỷ đồng vốn đầu tư tư nhân đã được huy động thông qua các dự án PPP. Ảnh: Lê Tiên |
Đây là nhận định của EuroCham trong Sách Trắng vừa công bố ngày 16/2/2023. Nhiều ý kiến tại tọa đàm của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) diễn ra cùng ngày cũng cho rằng, việc cùng hành động, tháo gỡ rào cản vì mục tiêu chung về thu hút tư nhân đầu tư phát triển hạ tầng sẽ thúc đẩy thực thi Luật PPP hiệu quả hơn.
“Dự án Pháp Vân - Cầu Giẽ nếu bây giờ đưa ra đấu thầu làm PPP sẽ có hàng nghìn nhà đầu tư muốn nhảy vào, 5 năm là hoàn vốn”, Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Văn phòng Luật sư NHQuang & Cộng sự, lấy ví dụ cho thấy một thực tế dự án nào dễ nhất thì nhà đầu tư đã làm rồi, giờ là những dự án khó hơn, cách làm phải theo thị trường hơn. Bên cạnh đó, với tâm lý đầu tư chung trong thời gian này, thì dù có Luật hay không, thị trường cũng trầm lắng.
Việc chưa có nhiều dự án PPP triển khai như kỳ vọng, theo nhiều ý kiến còn do nhiều rào cản ở các quy định pháp luật khác. Ví dụ, cơ chế chia sẻ rủi ro doanh thu quy định tại Luật PPP được đánh giá rất cao, nhưng việc áp dụng quy định này trên thực tế còn vướng mắc.
Ông Lê Việt Thắng, Giám đốc Ban Đầu tư Tập đoàn Đèo Cả cho biết, cơ chế chia sẻ rủi ro doanh thu còn vướng về nguồn thực hiện để bù đắp chia sẻ sụt giảm doanh thu. Nguồn dự phòng của địa phương rất thấp, phải ưu tiên chi cho các nhiệm vụ cấp bách. Nhiều địa phương không đồng ý bố trí cho việc chia sẻ sụt giảm doanh thu của dự án PPP, điều này gây khó khăn lớn cho nhà đầu tư khi đàm phán với ngân hàng. Ông Lê Việt Thắng đề nghị, ngoài nguồn dự phòng, bổ sung nguồn tăng thu và nguồn vốn hợp pháp khác.
Luật sư Trần Duy Hưng, Giám đốc điều hành Công ty Monitor Consulting phân tích thêm, cơ chế chia sẻ rủi ro doanh thu tại Điều 82 là quy định rất tốt của Luật PPP, nhưng cách chia sẻ trong thực tế khó ở chỗ dự án phải điều chỉnh giá phí xem tăng giảm doanh thu thế nào, nếu không đạt thì Kiểm toán Nhà nước vào tính toán, kiểm tra xem đúng không, sau đó lại cần thời gian xác định nguồn bố trí. Quy trình có thể mất vài năm, thậm chí không xác định được thời gian. Vì thế có thể nghiên cứu đơn giản hóa hoặc có hướng dẫn phù hợp hơn về chia sẻ rủi ro doanh thu.
Cơ chế chia sẻ rủi ro doanh thu quy định tại Luật PPP được đánh giá rất cao, nhưng việc áp dụng quy định này trên thực tế còn vướng mắc. Ảnh: Nhã Chi |
Vướng mắc lớn khác là nguồn vốn vay hiện nay rất khó tiếp cận. Theo VCCI, Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo ngân hàng thương mại thận trọng hơn cho vay dự án BT, BOT giao thông, yêu cầu phải có quy trình thẩm định riêng. Cán bộ ngân hàng thì không mặn mà vì ít có lợi ích khi cho vay dự án PPP… Với các dự án BOT hiện nay, bảo đảm bằng quyền thu phí gần như không có ý nghĩa, nhiều ngân hàng yêu cầu nhà đầu tư có tài sản bảo đảm khác và chỉ có thể cho vay tối đa 50 - 60% tổng mức đầu tư.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập cho rằng, dự án PPP nếu chỉ dựa vào vốn vay ngân hàng thương mại là bế tắc. Vì thế, cần có giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong huy động những dòng vốn trung, dài hạn khác cho các dự án PPP.
Bên cạnh đó, theo Luật sư Trần Duy Hưng, vẫn chưa có một cam kết mạnh mẽ của Chính phủ với một chương trình PPP dài hạn, cụ thể ngân sách hỗ trợ như thế nào, nguồn lực ra sao… Yếu tố này nằm ngoài Luật PPP nhưng là tín hiệu rõ nét nhất với thị trường. Đồng thời, các ưu đãi bảo đảm đầu tư với dự án PPP phải có sự khác biệt vì thu hút PPP khó hơn, hoàn toàn theo nguyên tắc thị trường.
Ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam chia sẻ thêm, trong bối cảnh hiện nay, khi dư địa cho dự án PPP giao thông áp dụng hợp đồng BOT ít đi, thì việc phát triển các loại hình hợp đồng khác để hút vốn cũng cần thiết. Tuy nhiên, dù Luật PPP có quy định về các loại hợp đồng PPP khác, như BTL, BLT, O&M, nhưng việc triển khai vẫn vướng do pháp luật liên quan về ngân sách nhà nước, tài chính... Thực tế này làm hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư dù có quan tâm.
Tuy vẫn còn những khó khăn, rào cản, nhưng thực tiễn triển khai Luật PPP đang có chuyển động tích cực. Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư từ báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, từ thời điểm Luật PPP có hiệu lực thi hành (1/1/2021) đến tháng 11/2022, có 8 dự án PPP mới được thực hiện theo quy định của Luật PPP và 139 dự án PPP chuyển tiếp (không bao gồm dự án BT). Các dự án PPP mới đều là các dự án trọng điểm, quy mô lớn quốc gia, địa phương, tổng mức đầu tư khoảng 131.000 tỷ đồng. Các dự án này khi hoàn công được dự kiến sẽ hình thành 253 km đường cao tốc, 2 cảng hàng không quốc tế tiêu chuẩn cấp 4C và sân bay quân sự cấp II, góp phần nâng cấp hạ tầng quốc gia và địa phương. Thông qua các dự án này, dự kiến huy động hơn 58.574 tỷ đồng vốn đầu tư tư nhân.
Với quyết tâm cao của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa phương cũng đang lên kế hoạch thực hiện nhiều dự án PPP quy mô lớn. Đại diện Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, để thực hiện hiệu quả hơn PPP, cần tăng cường năng lực không chỉ với Nhà nước mà cả tư nhân, để cùng bước vào “hợp đồng hôn nhân dài hạn này”. Vấn đề lợi ích giữa khu vực tư nhân và Nhà nước cần hài hòa, vấn đề phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cũng cần được được quan tâm.