Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ: Phát huy tối đa tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực bứt phá vươn lên

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Các địa phương cần phát huy tối đa tính tự lực, tự cường, nỗ lực bứt phá vươn lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ hội đủ các yếu tố để phát triển
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ hội đủ các yếu tố để phát triển

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ nói riêng sâu rộng, toàn diện theo hướng độc lập, tự chủ, dựa vào phát triển nội lực là chính, là cơ bản, chiến lược, lâu dài và quyết định; ngoại lực là quan trọng, tạo đột phá phát triển. Riêng vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ có nội lực, bao gồm con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa lịch sử rất lớn. Đảng và Nhà nước cũng rất quan tâm đến đầu tư phát triển vùng.

Về tiềm năng của vùng, dân số khu vực này rất lớn, chiếm khoảng 21% dân số cả nước; người dân có phẩm chất chịu thương, chịu khó, kiên cường, bất khuất, yêu nước nồng nàn và rất ham học, hiếu học, năng động, sáng tạo trên nhiều lĩnh vực. Khu vực này có truyền thống văn hóa, lịch sử rất đặc biệt, có “rừng vàng, biển bạc”, có không gian phát triển vận tải hàng không, cảng biển.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, giàu có về tiềm năng, nhưng thu nhập bình quân đầu người của vùng lại thấp hơn thu nhập bình quân của cả nước. “Phải chăng do cơ chế chính sách, thách thức và khó khăn chưa nhận diện hết, hay hạn chế, yếu kém chưa phát hiện ra?”, Thủ tướng đặt vấn đề.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra một trong những hạn chế của vùng là liên kết còn rời rạc, kết nối với hai đầu đất nước chưa chặt chẽ, với khu vực và thế giới còn chưa đầy đủ.

Việc kết nối này, theo Thủ tướng Chính phủ bao gồm kết nối con người, giao lưu con người; kết nối về thể chế, ý tưởng, đổi mới, sáng tạo, đặc biệt liên kết lĩnh vực hạ tầng giao thông chiến lược chưa thực sự hiệu quả.

Muốn phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý các địa phương phải bám sát vào thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan, lấy thực tiễn làm thước đo, có thước đo rồi phải nắm chắc diễn biến để thực hiện. Từ đó mới có đối sách kịp thời, hiệu quả. Nếu không phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, hiệu quả thì sẽ tụt hậu. Chúng ta cần có tư duy phương pháp luận, giải quyết các vấn đề mang tính nút thắt.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các địa phương sử dụng, quản lý, phân bổ nguồn lực đầu tư hiệu quả, tránh đầu tư dàn trải, đầu tư cho phát triển phải mang lại lợi ích cho quốc gia, địa phương và người dân được hưởng lợi.

Về thu hút nguồn vốn tư nhân, Thủ tướng đề nghị 14 địa phương trong vùng sáng tạo, linh hoạt, tạo cơ hội, môi trường tốt nhất để các nhà đầu tư cụ thể hoá đầu tư bằng các dự án lớn, có tính lan toả, kích thích các lĩnh vực kinh tế khác không chỉ cho vùng mà cho cả nước.

Nhấn mạnh khi thu hút đầu tư cần đứng trên quan điểm hợp tác 2 bên cùng phát triển, Thủ tướng Chính phủ lưu ý các địa phương phải luôn đổi mới môi trường đầu tư, tạo môi trường thông thoáng cho nhà đầu tư và phải tạo ra nhà đầu tư chiến lược. Các cấp chính quyền xem thành công của doanh nghiệp là của địa phương, của quốc gia; xem trăn trở, khó khăn của doanh nghiệp như của chính mình để giải quyết hiệu quả, thấu tình, đạt lý, và đặc biệt lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể trung tâm, làm mục tiêu phát triển.

14 tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ bao gồm: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận. Đến nay, Bộ Chính trị đã ban hành 9 nghị quyết về cơ chế đặc thù cho các địa phương, trong đó có 5 nghị quyết cho các địa phương trong vùng, gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế và Khánh Hòa.

Vùng đạt tăng trưởng giai đoạn 2005 - 2020 là 7,3%/năm, so với cả nước là 6,36%/năm. Quy mô kinh tế năm 2020 gấp 9,1 lần so với năm 2004, chiếm 14,5% GDP cả nước (xếp thứ 3/6 vùng); GRDP bình quân đầu người đạt 56,9 triệu đồng/người/năm (gấp 7 lần so với năm 2005). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tương đối nhanh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ (năm 2020 lần lượt là 31,82% và 40,81%); du lịch dần trở thành ngành mũi nhọn (giai đoạn 2005 - 2019 tăng 16%).

Chuyên đề