Nguyễn Cảnh Chân là CSGT duy nhất bị xử lý trong vụ án này. |
Ngày 17/10, TAND cấp cao tại TPHCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “logo xe vua”. Đây là vụ án gây dư luận xôn xao vì có người đưa hối lộ, môi giới hối lộ nhưng không biết ai nhận hối lộ.
Trước đó, TAND TPHCM từng đưa vụ án ra xét xử nhiều lần sau đó quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ 80 cán bộ cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông liên quan tới việc nhận hối lộ. Tuy nhiên, quá trình điều tra bổ sung vẫn không xác định được cụ thể từng người nhận hối lộ.
Bị cáo Nguyễn Cảnh Chân (sinh năm 1973, nguyên cán bộ đội 1 – phòng CSGT tỉnh Đồng Nai) mặc dù không kháng cáo nhưng để làm rõ một số tình tiết của vụ án nên HĐXX quyết định trích xuất bị cáo Chân tới phiên tòa.
Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Nguyễn Văn Thới (sinh năm 1976) thừa nhận việc tổ chức in logo có số “68” và chữ “Garage Thành Đô”, sau đó, bán những logo này cho các tài xế. Số tiền bán “logo xe vua” Thới dùng một phần để đưa cho CSGT và TTGT, số còn lại bị cáo Thới hưởng lợi nhưng bị cáo không nhớ số tiền cụ thể. Thới cũng thừa nhận, thông qua một số mối quan hệ thì biết bị cáo Nguyễn Cảnh Chân sau đó đưa tiền cho Chân nhờ giúp đỡ.
Bị cáo Chân thừa nhận có việc nhận tiền của Thới, sau đó, Chân có nói với ông S., Đội trưởng 1 đội thuộc phòng CSGT tỉnh Đồng Nai, từ đó Thới đưa tiền cho bị cáo chuyển cho ông S. Sau khi ông S. qua đời thì Chân tiếp tục tìm đến ông T. (1 Phó trưởng phòng CSGT tỉnh Đồng Nai) giúp đỡ Thới thì được ông T. đồng ý.
Bị cáo Lê Thị Cẩm Vân (sinh năm 1982) khai nhận mình có mua bán “logo xe vua” và có đưa hối lộ cho một số CSGT, TTGT. Vân khai nhận một số tuyến đường Vân không móc nối được với CSGT, TTGT, nếu tài xế mua “logo xe vua” của Vân bị CSGT xử phạt hành chính thì Vân là người đi nộp phạt thay tài xế. Ngoài ra, bị cáo Vân cho rằng mức án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo mức án 9 năm tù là quá nghiêm khắc, bị cáo xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Các bị cáo kháng cáo xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt để sớm có cơ hội làm lại cuộc đời.
Đại diện Viện KSND cấp cao tại TPHCM cho rằng các bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng không đưa ra được các tình tiết mới của vụ án. Từ đó, Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX bác tất cả kháng cáo của các bị cáo, tuyên y án sơ thẩm.
Cũng theo Viện Kiểm sát, bất cứ một vụ án đưa hối lộ thì phải có người nhận hối lộ, trong vụ án này các bị cáo bị truy tố, xét xử về tội đưa hối lộ, môi giới hối lộ nhưng bị “khuyết” người nhận hội lộ. Căn cứ vào hồ sơ vụ án, Viện Kiểm sát cho rằng lời khai của các bị cáo là có căn cứ, các bị cáo xác định được thời gian, không gian đưa hối lộ, các bị cáo cũng nhận diện được một số CSGT, TTGT nhận hối lộ. Từ đó, đại diện Viện Kiểm sát kiến nghị HĐXX yêu cầu cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, Viện KSND tối cao điều tra làm rõ những CSGT, TTGT nhận hối lộ trong vụ án này.
Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang bào chữa cho bị cáo Vân đồng ý với kiến nghị của Viện Kiểm sát. Tuy nhiên, luật sư Trang cho rằng nếu tách vụ án, xét xử các bị cáo đưa hối lộ, môi giới hối lộ trước rồi mới điều tra làm rõ người nhận hối lộ thì sẽ ảnh hưởng tới việc xác minh sự thật, khách quan của vụ án. Ngoài ra, luật sư Trang cho rằng trong vụ án này các bị cáo không kêu oan, tuy nhiên tòa cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào lời khai nhận tội của các bị cáo để buộc tội là thiếu căn cứ. Cơ quan điều tra, tòa sơ thẩm chưa chứng minh rõ hành vi phạm tội của các bị cáo. Từ đó, luật sư Trang đề nghị HĐXX hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại theo quy định.
Luật sư Lê Thị Bích Chi cho rằng bản án sơ thẩm tuyên phạt các bị cáo quá nghiêm khắc, chưa xem xét toàn bộ nội dung vụ án. Luật sư Chi chỉ ra hàng loạt vi phạm tố tụng của cấp sơ thẩm cũng như nêu ra các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo.
Do tính chất phức tạp của vụ án, nên HĐXX quyết định nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào ngày 21/10.