Phiên tòa tiếp tục tranh luận |
Tiền vào Vietinbank rồi thì ngân hàng phải có trách nhiệm
Ngày 29/5, TAND Cấp cao tại TPHCM tiếp tục xét xử Huỳnh Thị Huyền Như (sinh năm 1978, nguyên quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, ngân hàng Vietinbank - Chi nhánh TPHCM) và Võ Anh Tuấn (nguyên cán bộ văn phòng ngân hàng Vietinbank) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Mở đầu phiên tòa luật sư Nguyễn Minh Tâm (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công ty CP chứng khoán Saigonbank – Berjaya, viết tắt là SBBS) cho rằng: trong quá trình thụ lý vụ án, TAND TPHCM đã 3 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung nhằm làm rõ một số tình tiết liên quan đến việc định tội danh đối với Huyền Như.
Tại quyết định trả hồ sơ này, TAND TPHCM nhận định: "Chỉ sau khi 5 công ty mở tài khoản tại Vietinbank và gửi tiền, tiền được hạch toán đầy đủ trên hệ thống của ngân hàng thì Huỳnh Thị Huyền Như mới giả chữ ký để chuyển tiền ra khỏi hệ thống của Vietinbank chi nhánh TPHCM rồi chiếm đoạt".
Luật sư Tâm cho rằng: nhận định này của TAND TPHCM là đúng với bản chất của vụ án. Tuy nhiên sau đó không hiểu vì lý do gì, tòa án đã tuyên ngược lại với nhận định nêu trên dù kết quả điều tra không có gì mới.
"Các công ty đã mở tài khoản hợp lệ trên hệ thống Vietinbank, sau đó chuyển tiền vào hệ thống. Đại diện Vietinbank cũng xác nhận sau khi khách hàng gửi tiền, hệ thống của Vietinbank đã tự động cập nhật. Việc mở tài khoản giữa khách hàng và Vietinbank đã phát sinh quan hệ dân sự giữa bên gửi tiền là khách hàng, bên nhận tiền và quản lý tiền là ngân hàng. Tính chất quan hệ dân sự đã được xác định rõ. Tuy nhiên tòa sơ thẩm đã lờ đi trách nhiệm của Vietinbank để ngân hàng này không phải bồi thường" - luật sư Tâm phân tích.
Luật sư Tâm cũng cho rằng: vào thời điểm năm 2011, hàng chục ngân hàng tiến hành huy động lãi suất vượt trần và pháp luật không cấm. Chính vì vậy không thể nói các công ty vì lòng tham mà gửi tiền vào ngân hàng để hưởng lãi suất cao.
Chính vì Vietinbank là ngân hàng lớn nên khách hàng mới gửi tiền và khi tiền gửi vào ngân hàng vẫn chưa bị mất, cho đến khi bị Huyền Như chiếm đoạt. Chính vì vậy, luật sư Tâm cho rằng Vietinbank là nạn nhân của Huyền Như trong vụ án này và Vietinbank có trách nhiệm trả lại tiền cho khách hàng.
Vietinbank không liên quan?
Đối đáp lại quan điểm trên, luật sư Nguyễn Thị Bắc (bảo vệ cho Vietinbank) cho rằng mọi giao dịch của SBBS không phải với Vietinbank mà là với Huyền Như. SBBS đang có hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn tại một số ngân hàng, nhưng họ tất toán tất cả để chuyển tiền vào Vietinbank thông qua Huyền Như để hưởng lãi vượt trần. Đó là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Thời điểm SBBS chuyển tiền là Như đã thực hiện mục đích rồi, còn việc Như sử dụng thế nào là do Như.
Theo luật sư Bắc, giữa SBBS và Huyền Như đã thực hiện “thỏa thuận ngầm”, bất hợp pháp. Huyền Như giả danh cán bộ chi nhánh Nhà Bè để làm việc với kế toán trưởng của SBBS Vũ Thị Mỹ Linh nhằm thực hiện ý đồ chiếm đoạt tiền của SBBS.
Trong quá trình giao dịch “ngầm” với Huyền Như, từ đầu đến cuối, SBBS đã liên tiếp mắc nhiều sai phạm, tạo điều kiện cho Như chiếm đoạt tài sản của công ty.
Theo luật sư Nguyễn Văn Ngoan (bào chữa cho Huỳnh Thị Huyền Như), các công ty bị Như chiếm đoạt tiền thực chất là các công ty "sân sau" do các ngân hàng lập nên để che đậy giao dịch gửi tiền bất hợp pháp nhằm kiếm lợi nhuận trái quy định.
Luật sư Ngoan dẫn chứng: An Lộc là công ty "sân sau" của Ngân hàng Tiên Phong (TPBank). Công ty này chỉ đứng tên, làm trung gian mở tài khoản thanh toán theo yêu cầu của các ngân hàng để thực hiện các giao dịch bất hợp pháp. Thực chất đây là hành vi cho thuê, cho mượn tài khoản, vi phạm pháp luật.
"Chính vì vậy, các công ty bỏ mặc lợi ích của chủ tài khoản, tạo điều kiện thuận lợi cho Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt tiền"- luật sư Ngoan nhận định.