Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa (ảnh mờ) bị cáo buộc bảo kê cho đường dây đánh bạc nghìn tỷ qua mạng do Nguyễn Văn Dương (bìa phải) và Phan Sào Nam cầm đầu. |
Ngày 31/8/2018, VKSND tỉnh Phủ Thọ đã hoàn tất bản cáo trạng số 29/CT-VKS-P2 của vụ án “sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc; đánh bạc; mua bán trái phép hóa đơn; rửa tiền; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành phố trên cả nước.
Theo nội dung cáo trạng, sau khi Nguyễn Văn Dương thành lập Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (Công ty CNC, Dương làm Chủ tịch HĐTV), được Phan Văn Vĩnh (cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an) và Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - C50 Bộ Công an) tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động.
Đầu năm 2015, Dương đã nhất trí tiếp nhận đề nghị của Phan Sào Nam (Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc Công ty VTC online) để đứng ra phát hành game bài, sau đó chỉ đạo Lưu Thị Hồng ký hợp đồng hợp tác với Phan Sào Nam tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng internet bằng hình thức game bài Rikvip/Tip.Club, 23Zdo, Zon/Pen.
Sau khi ký hợp đồng, Dương chỉ đạo các thành viên trong công ty thuê tên miền, đăng ký tin nhắn thương hiệu; xây dựng cổng thanh toán kết nối với Công ty HomeDirect, Công ty VNPT EPAY, Công ty Ngân Lượng và Công ty GTS thực hiện vận hành, đối soát sản lượng doanh thu từ hành vi tổ chức đánh bạc, thu lời bất chính hơn 1.600 tỷ đồng (trong đó, giai đoạn Rikvip là hơn 370 tỷ đồng, giai đoạn Tip.Club là hơn 1.200 tỷ đồng).
Trong quá trình vận hành game bài, sau khi có được một số tiền nhỏ thu lời bất chính từ hành vi tổ chức đánh bạc, Dương chỉ đạo Đoàn Thị Thu Hà chuyển tiền góp vốn vào Công ty cổ phần đầu tư UDIC rồi mượn tên người khác, mở doanh nghiệp rồi ký hợp đồng khống rút tiền ra, quay vòng nâng khống giá trị vốn góp vào Công ty UDIC. Đến khi được ăn chia nguồn tiền do phạm tội tổ chức đánh bạc mà có thì Dương lại chỉ đạo Đoàn Thị Thu Hà và nhân viên cấp dưới đứng danh nghĩa công ty, cá nhân đối tác chuyển trả Công ty UDIC do hủy hợp đồng để hợp pháp hóa số tiền do tổ chức đánh bạc mà có thành tiền sạch (nếu chỉ nhìn trên sổ sách thì số tiền góp vào Công ty UDIC được hình thành trước khi Dương có nguồn thu từ hoạt động tổ chức đánh bạc).
Đến giữa năm 2017, Dương bán cổ phần ở Công ty UDIC được gần 330 tỷ và rút tiền gửi tiết kiệm, mua tầng 5,6 Tòa nhà Icon 4 để làm trụ sở Công ty CNC. Đến nay, Cơ quan an ninh điều tra đã tạm giữ, kê biên 2 sổ tiết kiệm với số tiền 150 tỷ đồng; tạm giữ khi khám xét hơn 95 triệu đồng, 1.327 USD, 32.600 Rup; Theo đề nghị của bị can Dương, vợ bị can đã tự nguyện nộp cho Cơ quan an ninh điều tra số tiền hơn 4 tỷ để khắc phục hậu quả; Dương tự nguyện bán trụ sở Công ty CNC nộp hơn 61 tỷ đồng; tạm giữ 4 ô tô các loại; phong tỏa hơn 8 tỷ trong tài khoản ngân hàng.
Trong quá trình điều tra, Nguyễn Văn Dương đã tự thú về việc: Do được Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa tạo điều kiện cho việc đánh bạc trực tuyến trên mạng internet nên khi có được nguồn thu từ vận hành tổ chức đánh bạc, Dương khai đã cho Phan Văn Vĩnh 1 đồng hồ Rolex trị giá 7.000 USD, 27 tỷ đồng, 1.750.000 USD, 1 áo sơ - mi, 1 lọ thuốc bổ gan; cho C50 700 triệu đồng, 1 bộ phần mềm diệt virus trị giá 30.000 USD; cho Nguyễn Thanh Hóa 22 tỷ đồng.
“Đến nay, Cơ quan điều tra đã chứng minh việc Dương cho C50 700 triệu đồng, 1 bộ phần mềm diệt virus trị giá 30.000 USD là có thật. Còn việc Dương cho Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa tiền, tài sản thì chưa làm rõ được nên tách ra, khi nào làm rõ sẽ xử lý sau. Thực hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 29 và đoạn 2 khoản 7 Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, ngày 31/8/2018, VKSND tỉnh Phú Thọ đã ra Quyết định số 02/KSĐT-P2 đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự cho Nguyễn Văn Dương về tội đưa hối lộ” – cáo trạng nêu rõ.
Từ căn cứ trên, VKSND tỉnh Phú Thọ quyết định truy tố bị can Nguyễn Văn Dương ra trước Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ để xét xử về tội “Tổ chức đánh bạc”, “Rửa tiền” theo điểm b khoản 2 Điều 249 và điểm a Khoản 3 Điều 251 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).