Vụ chủ tịch HĐQT chiếm đoạt hơn 860 tỷ đồng: Tiền đi đâu?

Số tiền 20,5 triệu USD giải ngân, Cựu chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tân Hồng khai nhận chỉ sử dụng 4,6 tỷ đồng trồng rừng, số còn lại đầu tư khai thác vàng.
Bị cáo Trịnh Khánh Hồng (bên trái) trước vành móng ngựa.
Bị cáo Trịnh Khánh Hồng (bên trái) trước vành móng ngựa.

Từ ngày 12-14/4, TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Trịnh Khánh Hồng (SN 1967, ở Bắc Giang) và 10 đồng phạm về các tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Theo cáo trạng, bị cáo Hồng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tân Hồng. Quá trình điều hành dẫn đến hoạt động kinh doanh không hiệu quả, sử dụng vốn vay trái mục đích dẫn đến nhiều khoản nợ đến hạn phải trả.

Để có tiền trả nợ và sử dụng mục đích cá nhân, bị cáo chủ mưu với các đồng phạm là nhân viên công ty, cán bộ ngân hàng gian dối, chiếm đoạt tiền của ngân hàng và các doanh nghiệp số tiền hơn 860 tỷ đồng.

Cụ thể, Công ty Tân Hồng được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch dự án trồng rừng nguyên liệu. Bị cáo Hồng liên hệ với chi nhánh Hồng Hà (Agribank) vay số tiền 20,5 triệu USD (tương đương 380 tỷ đồng). Thực chất khoản vay không có tài sản đảm bảo, hồ sơ vay vốn không đúng thực trạng công ty. Để hợp thức hồ sơ vay, Hồng chỉ đạo bộ phận kế toán lập khống 965 phiếu chi tiền.

Tại tòa, bị cáo Hồng khai nhận do phát hiện mỏ vàng trên diện tích được giao trồng rừng nên muốn tiến hành khai thác. Bị cáo chi 4,6 tỷ đồng trồng rừng. Số tiền còn lại bị cáo cho biết đầu tư vào khai thác vàng.

Bị cáo chống chế: “Số tiền 4,6 tỷ đó nếu mua cây giống thì có thể trồng đủ trên diện tích được giao ở 5 huyện của Nghệ An”. Đáp lại, chủ tọa đặt câu hỏi: “Hơn 20 triệu USD được vay để trồng rừng vậy thực tế nó có đổ vào rừng không?” thì Hồng im lặng.

Bảo lãnh ngân hàng để đảo nợ

Đối với hành vi sử dụng bảo lãnh của ngân hàng ký 15 hợp đồng kinh tế với 9 doanh nghiệp để chiếm đoạt tiền, bị cáo Hồng cho rằng bản chất là vay vốn. Việc làm nhằm đảo nợ khoản vay trước. Một số hợp đồng bị cáo đã thanh toán, nhiều hợp đồng đến nay mất hoàn toàn khả năng trả nợ.

Minh chứng là vào năm 2010, Công ty Tân Hồng ký hợp đồng với chi nhánh Công ty TNHH Thiết bị nặng Tất Hồng mua 5 chiếc máy xúc đào Hitachi trị giá hơn 1 triệu USD. Hiện nay, bị cáo còn chiếm đoạt 22 tỷ đồng.

Hoặc hợp đồng kinh tế mua bán của CTCP Thép Việt Nhật còn nợ lại 29,9 tỷ đồng; CTCP Gang thép Thái Nguyên tại Hà Nội 17,2 tỷ đồng; CTCP Kim khí Hà Nội 21,1 tỷ đồng; Công ty TNHH Nam Giang 10 tỷ đồng; Công ty TNHH Thương mại Tràng An 40 tỷ đồng; CTCP Máy, thiết bị dầu khí 44,7 tỷ đồng…

Theo truy tố, bị cáo Hồng dùng số tiền có được đảo nợ ngân hàng 107 tỷ đồng, 80 tỷ đồng trả nợ cho các đối tác, dùng tiền của đơn vị nhận bảo lãnh sau trả cho đơn vị nhận bảo lãnh trước 154 tỷ đồng; rút tiền mặt sử dụng 195,7 tỷ đồng; sử dụng hoạt động Công ty Tân Hồng 1,3 tỷ đồng.

Hiện nay, bị cáo mất khả năng thanh toán với 7 đối tác số tiền 281 tỷ đồng.

Mặt khác, bị cáo còn có hành vi mua lại Công ty Giang Linh và Công ty Thái An nhằm mục đích lập hồ sơ khống vay vốn 130 tỷ đồng để chiếm đoạt.

Trước tòa, bị cáo Đỗ Đức Hưng (nguyên giám đốc Agribank chi nhánh Hồng Hà) cho rằng việc ký bảo lãnh là do tin tưởng Hồng và nghĩ rằng ngân hàng không phải trả tiền.

“Anh Hồng cam kết sẽ chịu trách nhiệm khi đến hạn sẽ trả nợ cho các doanh nghiệp và chứng minh là nhà máy bột giấy đã đi vào sản xuất; có 3 mỏ vàng được cấp phép, đang làm đường và khu đất ở Láng, Hòa Lạc đang xin chuyển đổi dự án sinh thái”, bị cáo Hưng khai nhận.

Dự kiến, ngày mai (14/4), phiên tòa sẽ kết thúc.

Chuyên đề