Vốn ETF đổ vào chứng khoán Việt Nam cao nhất 3 tháng

0:00 / 0:00
0:00
Trong xu hướng đẩy mạnh mua ròng của khối ngoại, dòng vốn qua ETF đổ vào thị trường cổ phiếu Việt Nam cũng ghi nhận mạnh nhất trong vòng 3 tháng trở lại đây...
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Trong xu hướng bán tháo ồ ạt của nhà đầu tư cá nhân trong nước 10 phiên đổ lại, khối ngoại lại có xu hướng mua ròng. Chỉ tính riêng sáng nay, nhóm này đã mua 670 tỷ, luỹ kế 10 ngày qua nhóm này mua gần 5.000 tỷ đồng chứng khoán Việt Nam.

Riêng về dòng vốn quỹ ngoại, trong tuần giao dịch vừa qua, hoạt động mua ròng tiếp tục gia tăng. Giá trị mua ròng ghi nhận ở mức 2,250 tỷ đồng, cao gấp 2 lần tuần trước đó. Lực cầu tập trung chủ yếu trên Bất động sản và Công nghiệp khi hoạt động mua ròng tăng mạnh trên DXG, NLG, VRE, và GEX. Ngoài ra, hoạt động mua ròng từ khối ngoại đã quay trở lại trên lĩnh vực tiêu dùng thiết yếu, tập trung trên VNM.

Ở chiều ngược lại, áp lực bán quay trở lại trên tiêu dùng không thiết yếu khi PHR bị bán ròng mạnh.

Đối với dòng vốn ETF, dòng vốn âm quay tiếp tục duy trì tại Đông Nam Á, ghi nhận ở mức 7 triệu USD. Cụ thể, hoạt động rút vốn phần lớn đến từ áp lực bán trên các ETFs chủ đạo tại Singapore và Indonesia. Ngược lại, dòng vốn tích cực tăng mạnh tại Việt Nam trong tuần trước, ghi nhận ở mức 36 triệu USD tương đương 827 tỷ đồng, cao nhất trong 3 tháng vừa qua.

Cụ thể, lực cầu ngoại đã quay trở lại trên VFMVN30 và Fubon FTSE lần lượt vào ròng 19,1 triệu USD và 14,2 triệu USD. Ngoài ra, hoạt động mua vẫn duy trì ở mức ổn định trên VFMVN Diamond.

Tính chung 1 tháng trở lại đây, dòng vốn qua ETF vào ròng 19 triệu USD, tương đương 436 tỷ đồng. Trong đó, VFMVN DIAMOND ETF hút ròng 26,1 triệu USD tương đương 600 tỷ đồng, FUBON FTSE VIETNAM ETF 14,2 triệu USD 326 tỷ đồng. Riêng hai quỹ này đã hút ròng gần 1.000 tỷ đồng.

Đồ hoạ: K.Linh.

Đồ hoạ: K.Linh.

Tại hội nghị mới đây, ông Zafer Mustafaeglu, Giám đốc Khối Nghiệp vụ về Tài chính, Năng lực Canh Tranh và Đổi mới sáng tạo, Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng Quy mô thị trường của Việt Nam đã trở nên quá lớn để ở lại nhóm Thị trường Cận biên. Thị trường cổ phiếu của Việt Nam đã có trọng số trên 30% trong Chỉ số Thị trường Cận biên Toàn cầu của MSCI. Đây là trọng số lớn nhất, tiếp theo là Maroc là 10%. Việt Nam giống như võ sĩ hạng trung nhưng vẫn đang tham gia thi đấu trong nhóm hạng nhẹ.

Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực nâng cấp thành Thị trường Mới nổi. Điều đó không chỉ đem lại cải thiện về chất lượng mà còn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế thứ hạng lớn đến Việt Nam.

"Ví dụ trên thị trường cổ phiếu, nâng cấp thành Thị trường Mới nổi có thể đem lại thêm 10 tỷ USD đầu tư gián tiếp mới cho Việt Nam, trong đó riêng năm đầu tiên có thể tiếp nhận thêm từ 2-5 tỷ", đại diện World Bank nói.

Chuyên đề