VND tăng giá so với USD, có đáng ngại?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Từ đầu năm đến nay, VND đã tăng giá khoảng 1,47% so với USD và dự báo sẽ duy trì xu hướng tăng giá nhẹ trong thời gian tới. Giới phân tích cho rằng, điều này có thể bất lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam nhưng chưa đến mức đáng ngại.
Tính từ tháng 11/2019, Ngân hàng Nhà nước đã giảm giá mua vào USD tổng cộng 450 đồng sau 6 lần điều chỉnh. Ảnh: Lê Tiên
Tính từ tháng 11/2019, Ngân hàng Nhà nước đã giảm giá mua vào USD tổng cộng 450 đồng sau 6 lần điều chỉnh. Ảnh: Lê Tiên

Ngày 23/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm mua vào đồng USD ở mức 23.139 VND. Với biên độ 3% được quy định, giá mua USD tại các ngân hàng thương mại được phép giao dịch trong khoảng 22.445 - 23.833 VND. Giá mua vào - bán ra USD tại các ngân hàng trong khoảng 22.670 - 22.850 đồng. Trong khi đó, ngày 1/1/2021, giá mua vào - bán ra đồng bạc xanh ở các ngân hàng phổ biến ở mức 23.035 đồng - 23.215 đồng. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, VND đã tăng giá khoảng 1,47% so với USD.

Theo ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối kinh doanh tiền tệ, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán thuộc Ngân hàng HSBC Việt Nam, xu hướng tăng giá của VND so với USD chủ yếu được thúc đẩy bởi chính sách điều hành tỷ giá của NHNN. Theo đó, NHNN cam kết sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt, phù hợp với trình độ phát triển của thị trường ngoại tệ và các yếu tố kinh tế, đảm bảo hoạt động ổn định, thông suốt của thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Tính từ tháng 6/2021, NHNN đã giảm giá mua vào USD tổng cộng 375 đồng xuống mốc 22.750 đồng, và giảm tổng cộng 450 đồng tính từ tháng 11/2019 sau 6 lần điều chỉnh. Xu hướng này được cho là đi ngược với những năm trước đó khi VND thường xuyên trượt giá so với USD.

Theo quan điểm của nhóm nghiên cứu thuộc HSBC, sang năm 2022, tỷ giá USD/VND sẽ đảo chiều về mức 23.000. Theo đó, VND có thể đứng trước áp lực đối diện với một đồng bạc xanh mạnh hơn trên thị trường quốc tế và đồng nhân dân tệ suy yếu hơn.

Theo HSBC, trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nền kinh tế đứng trước nhiều thách thức trong quá trình phục hồi, doanh nghiệp cần phải chủ động xây dựng các kịch bản đa dạng với từng tình huống. Đặc biệt, doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần đặc biệt chú trọng phòng vệ rủi ro, trong đó có rủi ro về dòng tiền, về lãi suất và tỷ giá thông qua các sản phẩm phòng vệ, nhằm nắm thế chủ động trong việc dự phòng và ổn định tính thanh khoản, đảm bảo hoạt động thông suốt.

Bình luận về biến động tỷ giá từ đầu năm đến nay, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, nguyên nhân trước hết là do nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng tương đối khả quan trong năm 2020 trong so sánh với các nước khác, do đó, VND có xu hướng tăng giá trị. Hơn nữa, chính sách điều hành tỷ giá của NHNN theo hướng bán ra USD để giữ ổn định tỷ giá.

“VND tăng giá so với USD tạo lợi thế cho hàng nhập khẩu nên góp phần đẩy nhập siêu tăng thêm. VND tăng giá so với USD là xu hướng đáng quan tâm, nhưng mức độ tăng giá khoảng 1,47% là con số chưa đáng lo ngại. Từ nay đến cuối năm, để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, NHNN có thể mua vào USD để giảm mức độ tăng giá của VND. Tuy nhiên, cơ quan chức năng sẽ rất cân nhắc về mức độ điều chỉnh để vừa hỗ trợ doanh nghiệp, vừa giữ cam kết ổn định tỷ giá”, ông Hiếu nói.

TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính thuộc Bộ Tài chính cho rằng, mức tăng giá của VND là chưa đáng ngại bởi cung cầu ngoại tệ trên thị trường vẫn ổn định, tỷ lệ nhập siêu trên tổng kim ngạch nhập khẩu ở mức 0,9% là chưa đáng ngại và chỉ mang tính chất tạm thời, có thể do doanh nghiệp tăng nhập khẩu nguyên vật liệu chuẩn bị cho quá trình hồi phục sản xuất và tận dụng giai đoạn tỷ giá ở mức hợp lý.

“Các doanh nghiệp xuất khẩu có thể gặp bất lợi do xu hướng tỷ giá như vậy, song vẫn có thể hưởng lợi từ việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào ở mức thấp hơn trước nên mức độ tác động không quá lớn. Hơn nữa, các động thái điều hành chính sách tỷ giá của NHNN là khá rõ ràng và có tính dự báo nên nhiều doanh nghiệp có thể đã dự tính các phương án để ứng phó tình huống này”, ông Độ nói.

Chuyên đề