Các bị cáo tại phiên xử sơ thẩm. |
VKSND TP HCM vừa ra quyết định kháng nghị một phần bản án sơ thẩm của tòa án cùng cấp tuyên phạt Đậu Ngọc Tố, Hàn Quang Án, Nguyễn Minh Hiếu, Võ Thị Huyền Trinh và Nguyễn Đức Thắng (đều là Việt kiều Mỹ) tổng cộng 300 triệu đồng thay cho hình phạt tù về tội Buôn lậu. Viện yêu cầu cấp phúc thẩm xét xử theo hướng không áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính đối với các bị cáo.
Theo VKS, bản án áp dụng các quy định của pháp luật để phạt tiền các bị cáo là không có căn cứ, vi phạm Bộ luật Hình sự. Luật quy định chỉ được áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính đối với các trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng. Trong khi các Việu kiều này đều bị truy tố ở khung hình phạt thuộc trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Ngoài ra, Viện cũng cho rằng, HĐXX chỉ tuyên buộc 7 trong số 10 bị cáo nộp lại 22,7 tỷ đồng tiền thuế bị thất thu là chưa đầy đủ. Tất cả bị cáo đều bị truy tố tội Buôn lậu, có vai trò giúp sức tích cực cho Helena Phạm và Mai Thị Ái thực hiện hành vi nhập lậu 17 ôtô Land Rover, Lexus, Audi, BMW gây thất thu 22,7 tỷ đồng tiền thuế. Do đó, các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự và dân sự như nhau.
Bản án sơ thẩm xác định, trong thời gian du học tại Mỹ, Bùi Lê Việt Khôi (Kenny Khôi, 36 tuổi, nguyên Trưởng phòng kinh doanh ôtô Công ty Dương Đông - Sài Gòn) quen Helena Phạm (giám đốc công ty chuyên mua bán ôtô từ Mỹ về Việt Nam). Lợi dụng chính sách người Việt hồi hương được phép mang về nước một ôtô đang sử dụng, không phải đóng thuế, Helena Phạm bàn với Khôi thuê Việt kiều đứng tên nhập khẩu xe.
Khôi sau đó móc nối với các đồng phạm ở Việt Nam làm thủ tục nhập hộ khẩu thường trú, xin cấp phép nhập khẩu, làm thủ tục đăng ký đăng kiểm, mở tờ khai nhập khẩu và tìm người bán xe nhằm thu lợi bất chính. Mỗi công đoạn thành công Khôi được trả 10 triệu đồng.
Đường dây của Helena Phạm đã nhập lậu 17 ôtô Land Rover, Lexus, Audi, BMW... trị giá hơn 51 tỷ đồng, trốn thuế khoảng 22 tỷ. Để hợp thức hóa việc hồi hương giả tạo, Khôi thông qua một số người câu kết với cán bộ công an xã ở Lâm Đồng nhập hộ khẩu thường trú khống cho 17 Việt kiều Mỹ.
Các cán bộ này còn ký xác nhận đơn xin phép nhập khẩu 14 ôtô theo diện hồi hương, giúp Helena Phạm cùng đồng phạm buôn lậu thành công tài sản trị giá 43 tỷ đồng, trốn thuế hơn 19 tỷ.
Cùng thủ đoạn, Mai Thị Ái và đồng phạm buôn lậu thành công 3 xe sang với giá trị hơn 8,2 tỷ đồng, trốn thuế gần 3,7 tỷ. Công an TP HCM xác định đường dây của Helena Phạm còn nhập khống hộ khẩu cho Việt kiều ở các tỉnh Long An, Bến Tre, Đồng Tháp để buôn lậu. Hiện, cơ quan điều tra các tỉnh đã khởi tố, điều tra xử lý.
Hồi tháng trước, TAND TP HCM xử sơ thẩm tuyên phạt Khôi mức án 3 năm 7 tháng 9 ngày tù về tội Buôn lậu. Với vai trò đồng phạm, 4 công an xã nhận từ 6 tháng tù treo đến 3 năm tù giam. HĐXX tuyên buộc 7 trong số 10 bị cáo phải nộp lại 22,7 tỷ đồng thu lợi bất chính.
Helena Phạm, Mai Thị Ái, Nguyễn Nhất Lĩnh (Việt kiều Mỹ) bị xác định là người cầm đầu đường dây nhưng đã bỏ trốn nên cơ quan điều tra đang truy nã, xử lý sau.
Theo HĐXX, bị cáo Khôi là mắt xích quan trọng giữa Helena Phạm và các đồng phạm khác. Quá trình điều tra, Khôi đã nộp lại một tỷ đồng tiền thu lợi bất chính.
Đối với 5 bị cáo là Việt kiều, do thiếu hiểu biết pháp luật Việt Nam, không hưởng lợi, làm theo chỉ đạo của những người cầm đầu. Những người này không có việc làm, đang nhận hỗ trợ thất nghiệp của Mỹ. Do đó, HĐXX tuyên phạt 300 triệu đồng thay phạt tù. Trước đó, VKS đề nghị tuyên các bị cáo này mức án 2- 5 năm tù về tội Buôn lậu.
"Quá trình xét xử, HĐXX từng trả hồ sơ để làm rõ vai trò của các cán bộ Hải quan TP HCM và Công an Lâm Đồng. Tuy nhiên quá trình điều tra bổ sung cơ quan điều tra chưa làm rõ. Do phạm vi xét xử, HĐXX quyết định kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý theo quy định", bản án nêu.