Bị cáo Đinh La Thăng tại phiên tòa. Ảnh: TTXVN |
Mở đầu phiên làm việc sáng 15/1, công tố viên cho hay do phiên toà có nhiều bị cáo, liên quan nhiều tội danh nên đảm bảo thời gian sẽ trả lời thành nhóm vấn đề, căn cứ buộc tội với từng bị cáo.
Theo VKS, ông Đinh La Thăng khai việc chỉ định thầu tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 xuất phát từ chủ trương của Bộ Chính trị trong chiến lược phát triển PVN đến năm 2025, chỉ thị người Việt Nam dùng hàng VN, chỉ thị phát triển ngành dầu khí tới năm 2015… Tuy nhiên, thực tế kết luận của Bộ Chính trị không đưa ra nội dung chỉ định thầu cụ thể như lời khai của ông Thăng.
"Chính phủ khi trả lời văn bản của PVN do ông Thăng ký đề xuất chỉ định thầu PVC cũng chỉ chỉ đạo chủ động chỉ định thầu nhưng phải đáp ứng đủ điều kiện, chứ không đồng ý PVC làm tổng thầu", công tố viên nói và cho rằng qua các nội dung trên có thể trả lời cho câu hỏi "PVN có thực hiện đúng chỉ đạo của chính phủ về chỉ định nhà thầu hay không".
Công tố viên giải thích, trong 10 tháng PVC sử dụng không đúng mục đích số tiền 1.115 tỷ đồng, thiệt hại hơn 119 tỷ đồng được tính theo lãi suất ngân hàng là hợp lý. Việc cựu phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Xuân Sơn cho rằng thiệt hại chỉ trên dưới 15 tỷ đồng, VKS phủ nhận, nói không có cơ sở.
Lợi ích nhóm
Theo VKS, hai bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận đều được ông Đinh La Thăng cất nhắc về PVC. Xuất phát từ mối quan hệ cá nhân, ông Thăng đã ưu ái bỏ qua quy định pháp luật để chỉ định thầu cho PVC, sau đó chỉ đạo ký hợp đồng, tạm ứng tới hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng.
"Điều đó đã thể hiện rõ mối quan hệ lợi ích nhóm", công tố viên kết luận.
Về lời bào chữa của ông Thăng nói "không chỉ đạo, không biết về hợp đồng 33" và đề nghị được xem xét tội cố ý làm trái, VKS đối đáp rằng PVN là tập đoàn nhà nước, tài sản dù là nhỏ nhất cũng được "nhân dân giao phó quản lý" nhưng ông Thăng đã làm trái các quy định để dẫn đến gây thiệt hại. VKS khẳng định ông Thăng ngay từ đầu đã nhắm tới PVC là tổng thầu của dự án và dùng quyền để thực hiện, dù không có căn cứ để giao việc này cho PVC.
Dẫn chứng cho quan điểm này, VKS dẫn lại lời cựu tổng giám đốc PVC Vũ Đức Thuận và nhiều người khác khi khai rằng "PVC không đủ kinh nghiệm điều hành", "PVC chưa đủ năng lực thực hiện dự án"...
Cấp dưới nhận có sai phạm, cấp trên thì không
Đối đáp về việc có hay không lãnh đạo PVN gây sức ép để ký hợp đồng 33 giúp PVC nhanh chóng trở thành tổng thầu và được tạm ứng tiền, VKS nói rằng: "Buồn nhất ở vụ án này là cấp dưới thừa nhận sai phạm, còn cấp trên thì không".
Theo công tố viên, lời khai của cựu tổng giám đốc PVN Phùng Đình Thực ở cơ quan điều tra cho thấy, liên quan dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 tất cả các vấn đề đều đưa ra họp bàn. Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN trực tiếp chỉ đạo phải kịp thời khởi công vào đầu năm 2011.
Lời khai của cựu phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Quốc Khánh cũng thể hiện "dù chưa đủ điều kiện nhưng theo chỉ đạo của chủ tịch Đinh La Thăng về việc phải khởi công vào tháng 2/2011", ông vẫn phải ép tiến độ với các đơn vị. Ông Khánh sau đó còn có lời khai cho thấy "không thể không ký hợp đồng, vì đã có chỉ đạo của chủ tịch".
"Tuy nhiên, không biết có sức ép nào mà tại phiên tòa, bị cáo Khánh lại lờ đi lời khai này", công tố viên nói và cho hay ông Thăng vào thời điểm bị bắt cũng khai do sức ép đảm báo tiến độ khởi công nên đã ép các đơn vị.
Khép lại phần tranh tụng về ai là người chỉ đạo ký hợp đồng 33, đại diện VKS nói thấy buồn khi ông Thăng phủ nhận đã chỉ đạo và còn bảo "muốn cứu PVC thì cần gì chỉ đạo ký mà chỉ cần sau một tiếng có thể có tiền để chuyển thẳng".