Sáng 28/5, đại diện VKS lần lượt đối đáp lại quan điểm của các luật sư trong vụ án bà Hứa Thị Phấn (71 tuổi, nguyên cố vấn cấp cao Ngân hàng Đại Tín) và 27 đồng phạm gây thiệt hại hơn 6.300 tỷ đồng.
Về việc luật sư của bà Phấn nói "HĐXX không khách quan" (do 3/5 thành viên từng tham gia xét xử vụ án Phạm Công Danh, ra quyết định khởi tố bà Phấn và những người khác), VKS cho rằng không có quy định cấm thành viên HĐXX không tham gia vụ án đã ban hành quyết định khởi tố.
Đối với các biên bản lời khai được cho là sinh đôi, VKS nhìn nhận "có sai chính tả, trùng lặp ngày giờ" nhưng không làm sai lệch nội dung xét hỏi, không ảnh hưởng đến kết quả điều tra của vụ án.
Ngoài ra, Viện cũng khẳng định không có bị cáo nào bị lấy lời khai trùng, hay ép cung. Mỗi biên bản lời khai đều có ý kiến của các bị cáo ở dưới. Khi thẩm vấn công khai tại tòa không ai thay đổi lời khai và cho rằng mình bị ép cung. Trừ bị cáo Bùi Thị Kim Loan (thư ký bà Phấn) nói khi được lấy lời khai đang mang thai nên mệt mỏi và không đủ tỉnh táo, sau này xin thay đổi.
Các bị cáo tại tòa.
Về đoạn băng ghi âm luật sư Trương Thị Minh Thơ cung cấp và VKS đã không chấp nhận là chứng cứ vụ án. Luật sư cho rằng VKS mâu thuẫn với chính mình và tước đi quyền cung cấp chứng cứ của luật sư.
"Chúng tôi khẳng định cái mà luật sư gọi là chứng cứ không được chấp nhận vì ghi âm được chứa trong USB - một sản phẩm không phải để ghi âm. USB này không đủ pháp lý theo đúng tố tụng hình sự", kiểm sát viên nói.
Cũng theo Viện, luật sư nói USB và thùng tài liệu là do bà Phấn cung cấp nhưng lại không nộp cho cơ quan điều tra - dù khẳng định đây là tài liệu quan trọng thể hiện bản chất của vụ án. Luật sư nêu lý do "không tin VKS" nhưng sau khi Viện chuyển hồ sơ qua cơ quan xét xử cũng không cung cấp cho toà. "Suốt một năm qua nó được lưu ở đâu, ai là người cung cấp, có hay không chuyện nguỵ tạo băng ghi âm này?", đại diện VKS lập luận.
"Luật sư còn kiến nghị điều tra nhân vật Cao trong file ghi âm, cho người này là công an, đã lợi dụng chức vụ quyền hạn giúp sức cho ông Luận (Chủ tịch HĐQT của Phương Trang) cản trở Thanh tra Nhà nước thanh tra Ngân hàng Đại Tín. Kiến nghị này hoàn toàn không có căn cứ đồng thời vượt quá phạm vi bào chữa, cố tình làm xấu đi tình trạng người khác", kiểm sát viên tiếp tục phản bác quan điểm của luật sư Trương Thị Minh Thơ.
Bị kê biên tài sản, Công ty Phương Trang được quyền đòi bồi thường
Cơ quan công tố cũng bác đề nghị của luật sư bảo vệ Ngân hàng CB (tiền thân là Ngân hàng Đại Tín, VNCB), yêu cầu Công ty Phương Trang phải trả hơn 9.000 tỷ đồng nợ gốc và 16.000 tỷ lãi phát sinh. Bởi có đủ căn cứ xác định công ty này thực vay 3.936 tỷ nên chỉ phải trả lãi đến ngày khởi tố vụ án.
Đây cũng là căn cứ để VKS không chấp nhận quan điểm của luật sư bảo vệ Phương Trang - khi đề nghị trả lãi đến thời điểm tố giác hành vi sai phạm của bà Phấn và Ngân hàng Đại Tín. Tuy nhiên, Viện ghi nhận việc kê biên tài sản suốt nhiều năm qua gây thiệt hại lớn cho Phương Trang, đề nghị HĐXX dành cho công ty này quyền khởi kiện đòi thiệt hại do hành vi bà Phấn gây ra.
Đối với phần bào chữa của các bị cáo khác trong vụ án, VKS cho rằng, có đến 21/28 bị cáo là nữ, đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ nên đề nghị HĐXX cân nhắc giảm nhẹ khi ra bản án.
Trong phạm vi vụ án đang xét xử, bà Phấn và đồng phạm bị cáo buộc nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch bán lại cho Đại Tín chiếm đoạt hơn 1.105 tỷ đồng, hạch toán thu chi khống vay hơn 5.256 tỷ đồng của nhà băng sau đó đẩy nợ cho Công ty Phương Trang.
Với vai trò là người cầm đầu, bà Phấn bị đề nghị mức án 30 năm tù về các tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.