Năm 2016, Vinaconex tiếp tục thoái vốn khỏi các công ty không thuộc lĩnh vực nòng cốt. Ảnh: Lê Gia Khoa |
Tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính
Mảng hoạt động chính của Vinaconex là xây lắp năm 2015 đạt doanh thu 2.170 tỷ đồng, giảm 7,5% so với kết quả thực hiện năm 2014. Ban lãnh đạo Vinaconex cho biết, năm 2015 Tổng công ty không có doanh thu từ những công trình có giá trị sản lượng lớn mang tính chất quản lý, không mang lại lợi nhuận. Tuy nhiên, lãi gộp của mảng kinh doanh này của Vinaconex vẫn tăng 14% so với năm 2014, đạt 77,28 tỷ đồng.
Về hoạt động đầu tư, năm 2015 Vinaconex đã hoàn tất các thủ tục pháp lý, đấu thầu lựa chọn nhà thầu cho Viwasupco để triển khai Dự án Cấp nước Sông Đà giai đoạn 2 để tiến hành khởi công vào tháng 10/2015. Vinaconex cũng đã hoàn tất thành công giao dịch mua bán chuyển nhượng Dự án Cải tạo khu chung cư cũ 93 Láng Hạ, đồng thời triển khai thi công các dự án bất động sản như 97 - 99 Láng Hạ, Vinata Towers, CT4, Khu văn phòng và nhà ở Minh Khai….
Năm 2016, Vinaconex đặt kế hoạch của riêng Công ty mẹ với các chỉ tiêu tăng trưởng so với mức thực hiện năm 2015. Cụ thể, tổng doanh thu tăng 6,4%, đạt 3.022 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 344 tỷ đồng, tăng 13,1%; mức chi trả cổ tức dự kiến là 8%. Vinaconex sẽ tiếp tục công tác thoái vốn khỏi các công ty không thuộc lĩnh vực nòng cốt (xây lắp, bất động sản).
Vinaconex cho biết, Tổng công ty sẽ tận dụng tối đa cơ hội Nhà nước sắp xếp lại hệ thống ngân hàng, cộng với tình trạng nhiều chủ đầu tư không có năng lực triển khai sẽ tìm kiếm đối tác hợp tác hoặc bán lại dự án để mua lại doanh nghiệp dự án hoặc tham gia đầu tư. Tổng công ty cũng dự định hình thành 1 công ty 100% vốn sở hữu của Công ty mẹ, thay thế Công ty mẹ làm nhà thầu chính trong hoạt động xây dựng.
Cung tiền hạn hẹp
Như chúng tôi đã đưa tin trước đây, Vinaconex đang đối mặt với các mối lo về các khoản phải thu/phải trả có giá trị hàng nghìn tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2015, Tổng công ty có gần 2 nghìn tỷ đồng là các khoản cho vay với lãi suất thấp 1,5%/năm bằng USD. Trong đó chủ yếu là khoản Công ty CP Xi măng Cẩm Phả vay (1.967 tỷ đồng sau quy đổi). Bên cạnh đó, giá trị khoản phải thu khách hàng ngắn hạn tính đến cuối năm 2015 là 3.548 tỷ đồng, trong đó khoản phải thu lớn nhất là từ Công ty liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh (775 tỷ đồng).
Tại ĐHCĐ, Ban lãnh đạo Vinaconex thừa nhận vốn khả dụng của Tổng công ty nhiều năm qua là không có. Vốn khả dụng, theo định nghĩa là vốn chủ sở hữu có thể chuyển đổi thành tiền trong vòng 90 ngày.
Thừa nhận các khoản cho vay là bất lợi về mặt tài chính (lãi suất thấp), lãnh đạo Vinaconex cho biết, hoạt động cho vay tạo điều kiện cho Tổng công ty về mặt quan hệ, thuận lợi trong việc nhận và triển khai các dự án.
Tất nhiên, nếu thu được gần 2 nghìn tỷ đồng nói trên và dùng để mua lại các dự án, đầu tư thì sẽ mang lại lợi nhuận khoảng 10 - 15%/năm, hiệu quả cao hơn rõ rệt, một lãnh đạo Vinaconex cho biết.
Giá nào cho cổ phiếu VVF?
Tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên ngày 21/4/2015, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cho biết đã và đang triển khai việc phát hành 100 triệu cổ phần nhằm hoán đổi toàn bộ cổ phần Công ty Tài chính Vinaconex - Viettel (VVF). Trước đó, vào tháng 10/2015, SHB cho biết tỷ lệ hoán đổi là 1:1. Với mức giá hiện nay của SHB (xung quanh 6.500 đồng/cổ phần), đồng nghĩa với việc VVF sẽ “bán mình” dưới mệnh giá.
Trong khi đó, Vinaconex, một trong 2 cổ đông chính của VVF (nắm giữ 33% cổ phần) lại cho biết Tổng công ty kỳ vọng ở việc thoái vốn khỏi VVF, sẽ bán được giá tốt. Phương án tái cấu trúc VVF đã được gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và dự kiến sẽ được hoàn tất các thủ tục trong quý 3 năm nay, đại diện Vinaconex nhấn mạnh. Trao đổi bên lề ĐHCĐ, một lãnh đạo của Vinaconex tiết lộ, mức giá VVF được đề xuất cao hơn mệnh giá.