Khát vọng vươn xa

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - VinFast, FPT, Vinamilk, Viettel, Lộc Trời, Vicostone… và nhiều thương hiệu Việt Nam khác đang có những bước đi nhanh, vững chắc trên thị trường quốc tế. Quyết tâm, nỗ lực chinh phục thị trường thế giới của nhiều doanh nghiệp Việt đang mang lại kết quả xứng đáng, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.
Không chỉ tăng về “lượng”, dịch vụ công nghệ thông tin tại thị trường nước ngoài của FPT được đánh giá có sự dịch chuyển mạnh mẽ về “chất” sang những công đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị. Ảnh: Lê Tiên
Không chỉ tăng về “lượng”, dịch vụ công nghệ thông tin tại thị trường nước ngoài của FPT được đánh giá có sự dịch chuyển mạnh mẽ về “chất” sang những công đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị. Ảnh: Lê Tiên

Vicostone: Chuyên tâm sản phẩm cốt lõi

Trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, Công ty CP Vicostone là một trong những doanh nghiệp ghi dấu ấn thành công với chiến lược phát triển thị trường nước ngoài. Trong vòng xoáy khó khăn của doanh nghiệp vật liệu xây dựng, giai đoạn 2019 - 2023, quy mô tổng tài sản của Vicostone vẫn đạt mức tăng trưởng bình quân 4,01%/năm, vốn chủ sở hữu tăng trưởng bình quân 10,13%/năm. Theo Công ty nghiên cứu thị trường Freedonia (Mỹ), Vicostone được đánh giá nằm trong TOP 3 nhà sản xuất đá thạch anh cao cấp trên thế giới. Sản phẩm của Công ty được sử dụng trong các công trình thương mại cao cấp như Las Vegas City Center, Apple Campus (Mỹ), Sydney Airport (Australia), Interlomas Mall (Mexico)…

Bên cạnh sự đầu tư đồng bộ, tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động kinh doanh từ tăng cường tự chủ nguyên vật liệu đầu vào, tiếp nhận và làm chủ công nghệ sản xuất đá nhân tạo từ tập đoàn hàng đầu thế giới là Breton S.p.A (Italy), kết hợp với công nghệ do Công ty tự nghiên cứu và phát triển, đầu tư mạnh cho hệ thống phân phối, đối tác tại các thị trường, một yếu tố không kém phần quan trọng làm nên thành công của Vicostone là chủ động chuẩn bị và ứng phó với thị trường đầy cạnh tranh và biến động.

Năm 2017, khi Chính phủ Mỹ có xu hướng thực hiện nhiều chính sách bảo hộ sản xuất nội địa, dù nhận định rủi ro bị áp thuế không cao do mặt hàng đá thạch anh là sản phẩm thay thế đá nhân tạo, giảm khai thác tài nguyên và năng lực sản xuất đá thạch anh của các nhà sản xuất nội địa Mỹ chưa đủ khả năng cung cấp, nhưng Vicostone vẫn sẵn sàng cho kịch bản nếu bị áp thuế, Công ty lên kế hoạch đầu tư 1 nhà máy tại Mỹ để phục vụ thị trường này.

Hiện nay, Vicostone tập trung đầu tư nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới, rà soát lại hệ thống để cải thiện hiệu quả hoạt động, thực hiện chiến lược nội địa hóa nguyên vật liệu đầu vào… nhằm tối ưu hóa chi phí và tạo lợi thế cạnh tranh.

Thị trường toàn cầu rộng lớn là mảnh đất màu mỡ và đầy tiềm năng, nhưng quá trình chinh phục không dễ dàng khi doanh nghiệp Việt còn nhỏ về quy mô và năng lực tài chính, công nghệ, yếu về thương hiệu, phải cạnh tranh sòng phẳng với các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới.

Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch HĐQT Vicostone chia sẻ: Trong những thành tựu đã đạt được, điều khiến Vicostone tự hào nhất là kiến tạo nên một thương hiệu Việt có bản sắc, có hơi thở và sức sống riêng, trở thành thương hiệu quốc tế.

Năm 2023, Vicostone đạt doanh thu hợp nhất 4.353 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 999,44 tỷ đồng. Năm 2024, Công ty đặt kế hoạch 4.602 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, 1.033 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất.

FPT: Mở rộng hợp tác quốc tế

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức giữa tháng 4/2024, ông Bùi Quang Ngọc, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FPT chia sẻ: “Điểm nổi bật trong hoạt động kinh doanh năm 2023 của FPT là đạt được 1 tỷ USD doanh thu từ dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) cho thị trường nước ngoài”.

Bất chấp môi trường kinh tế thế giới đầy biến động, FPT vẫn duy trì được mức tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận bình quân trên 20%/năm trong 3 năm qua với đóng góp đáng kể từ thành công tại thị trường nước ngoài. Doanh thu dịch vụ CNTT của FPT tăng trưởng gấp đôi trong 3 năm 2021 - 2023 với động lực chủ yếu từ các thị trường trọng điểm là Nhật Bản, châu Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương. Không chỉ tăng về “lượng”, dịch vụ CNTT tại thị trường nước ngoài của FPT được đánh giá có sự dịch chuyển mạnh mẽ về “chất” sang những công đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị.

Giai đoạn tăng trưởng nhanh của FPT được đánh giá chưa dừng lại khi Tập đoàn đang tiếp tục mở rộng năng lực và tạo lợi thế cạnh tranh thông qua các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A), đầu tư vào các công ty công nghệ có tên tuổi như Intertec International, Cardinal Peak, AOSIS, Landing AI…, qua đó giúp nhanh chóng nâng cao năng lực công nghệ trong các mảng mới, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao và mở rộng tập khách hàng. Đồng thời, FPT đã và đang mở rộng, nâng tầm hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia như SAP, Microsoft, AWS, Salesforce, Adobe, gia nhập Liên minh AI do IBM và Meta khởi xướng...

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT tự tin chia sẻ: "Sau khi đã đạt được cột mốc 1 tỷ USD, con số 5 tỷ, 10 tỷ sẽ trong tầm tay". Đây là những con số đầy tham vọng, nhưng được đánh giá khả thi với FPT khi Tập đoàn hiện đã có thể cạnh tranh sòng phẳng với những đối thủ lớn trên toàn cầu. Thêm nữa, khi đạt tới đẳng cấp công ty tỷ USD, FPT sẽ dễ dàng hơn trong việc thu hút nhân tài, tìm kiếm hợp đồng quy mô lớn cũng như sẵn sàng năng lực tài chính đầu tư cho những kế hoạch mới.

Tính tới hết năm 2023, quy mô tài sản hợp nhất của FPT đạt 60.283 tỷ đồng. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất là khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn với tổng giá trị 24.383 tỷ đồng. Với lượng tiền gửi dồi dào, FPT thu về 1.648 tỷ đồng lãi tiền gửi trong năm 2023, đóng góp đáng kể vào lợi nhuận chung của Tập đoàn. Về phía nguồn vốn, nợ phải trả của FPT ở mức 30.350 tỷ đồng, phần lớn là các khoản nợ chiếm dụng vốn, tổng các khoản nợ vay là 14.046 tỷ đồng, chiếm 23% cơ cấu nguồn vốn. Vốn chủ sở hữu đạt 29.933 tỷ đồng.

VinFast: Quyết tâm chinh phục thị trường thế giới

Đầu tháng 4/2024, Công ty VinFast - đơn vị sản xuất và kinh doanh xe điện thuộc Tập đoàn Vingroup công bố được Ban tổ chức Triển lãm Ô tô quốc tế Bangkok (BIMS 2024) vinh danh với 2 giải thưởng: “Mẫu xe điện thương mại ý tưởng xuất sắc nhất” dành cho VF Wild và “Thiết kế gian hàng xuất sắc nhất”.

Hơn một tháng trước đó, VinFast cũng giành cú đúp giải thưởng tại Triển lãm Ô tô quốc tế Indonesia (IIMS) 2024. Việc liên tiếp đưa sản phẩm tham dự và giành giải thưởng tại các triển lãm ô tô hàng đầu khu vực nằm trong chuỗi hoạt động quảng bá, giới thiệu thương hiệu sản phẩm ra toàn cầu của VinFast từ năm 2023 đến nay.

Song song với quảng bá thương hiệu, Công ty đang mở rộng hệ thống phân phối, thâm nhập các thị trường tiềm năng với việc liên tiếp ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác, khai trương đại lý, hướng tới thực hiện kế hoạch mở rộng hoạt động tại tối thiểu 50 quốc gia trong năm 2024, bao gồm các thị trường trọng điểm như Mỹ, Canada, châu Âu, các quốc gia khu vực châu Á như Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines cùng khu vực Trung Đông và châu Phi.

Chẳng hạn, ngày 2/4/2024, VinFast và Công ty PT Gallerie Setia Utama đã chính thức khai trương đại lý đầu tiên tại Indonesia. Đây cũng là thị trường VinFast dự kiến sớm xây nhà máy, bên cạnh Việt Nam, Ấn Độ và Mỹ.

Là doanh nghiệp “sinh sau đẻ muộn” trên thị trường ô tô toàn cầu nói chung, thị trường xe điện nói riêng, lại đến từ một quốc gia chưa có nền tảng mạnh về công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô như Việt Nam, quá trình chinh phục người tiêu dùng của VinFast được đánh giá sẽ tốn nhiều thời gian, công sức hơn doanh nghiệp từ các quốc gia khác. Tuy nhiên, những nỗ lực của VinFast đang mang lại kỳ vọng ghi danh ngành ô tô Việt Nam trên bản đồ công nghiệp ô tô thế giới, như lời ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup: “Vingroup đã chính thức bước vào cuộc chơi toàn cầu với quyết tâm chinh phục thế giới”.

Bên cạnh một số doanh nghiệp ngành sản xuất, công nghệ trên, nhiều doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp, thực phẩm như Vinamilk, Lộc Trời, PAN Group… cũng mạnh mẽ bước chân ra thị trường toàn cầu. Mỗi doanh nghiệp có một con đường, một câu chuyện riêng, nhưng chung một khát vọng: đưa thương hiệu hàng Việt ra quốc tế và góp sức xây dựng nền kinh tế nước nhà.

Chuyên đề