Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: VGP
Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam xác định được 3 vấn đề đối với đất nước. Một là chủ động tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Hai là tăng cường cải cách thể chế kinh tế trong nước, liên tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo không gian môi trường thuận lợi, coi DN tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Ba là Chính phủ sẽ huy động mọi nguồn lực cả bên trong và bên ngoài để tập trung cho kết cấu hạ tầng, kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
“Chúng tôi không chỉ muốn nói tới Việt Nam là nói tới cơ hội phát triển, mà phải là cả Việt Nam và những cơ hội mang lại cho các DN đó phải trở thành hiện thực. Nhưng từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos năm 2017 tới nay, khi bàn về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì Chính phủ đánh giá tiến trình này rất chậm ở Việt Nam và cá nhân tôi thấy sốt ruột. Do vậy, trách nhiệm của Chính phủ và DN như thế nào đối với xây dựng thể chế, kết nối hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực để đóng góp cho xây dựng, đẩy nhanh phát triển nền kinh tế số?”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề với lãnh đạo các tập đoàn toàn cầu.
Ảnh: VGP
Nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, y tế, chế tạo, nông nghiệp như Qualcomm, Airbus, Sysmex, Cargrill... đều thấy nhiều điều “thú vị” khi hợp tác với các DN Việt Nam.
Ông Mantosh Malhotra, Chủ tịch khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Qualcomm cho biết, DN này đã phát triển hơn 14 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển và các DN Việt Nam có thể hướng tới tham gia hệ sinh thái số toàn cầu mà Qualcomm đã xây dựng. “Chúng tôi đã làm việc với Viettel và Vingroup và nhìn thấy nhiều điều thú vị để hợp tác”, ông Malhotra bày tỏ.
Trong khi đó, đại diện hãng chế tạo máy bay Airbus cho biết, đã đầu tư vào FPT của Việt Nam và ấn tượng với tốc độ phát triển của tập đoàn này, điều đó đã giúp hai bên xây dựng các nền tảng kết nối. Còn hãng thiết bị y tế Sysmec thì đánh giá cao nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao khi hãng này hợp tác với FPT.
Để hợp tác sâu rộng hơn trong thời gian tới, các tập đoàn muốn biết tầm nhìn của Chính phủ về 5G, internet vạn vật và công nghệ số không chỉ ở cấp địa phương, quốc gia, mà ở tầm nhìn toàn cầu như thế nào. Các quy chế của Nhà nước cho xây dựng dữ liệu tài chính để phát triển công nghệ tài chính (fintech). Giải pháp để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại các DN của Chính phủ.
Trong khi đó, những tập đoàn công nghệ như Amazon và Grab thì bày tỏ sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm đã giúp các DN này thành công với Việt Nam để đưa Việt Nam phát triển hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, phục vụ cho phát triển kinh tế nhanh hơn và bền vững. Các DN này cũng mong muốn Chính phủ sẽ có nhiều đối thoại hơn với DN.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao sự sẵn lòng hợp tác, các sáng kiến tốt đẹp của các tập đoàn đối với Việt Nam trong phát triển kinh tế số.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao đổi với lãnh đạo các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới. Ảnh: VGP
Chính phủ cũng đang chỉ đạo các bộ, địa phương thực hiện chia sẻ dữ liệu về dân cư, bảo hiểm xã hội, tài chính, hành chính và tạo điều kiện cho các DN phát triển mạng xã hội của Việt Nam.
Đối với nhu cầu, tầm nhìn đối với phát triển 5G, hay là thành phố thông minh, kho vận thông minh (logistics), áp dụng công nghệ thông tin trong thị trường ngoại hối, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị phát triển thị trường vốn vào cuối năm nay do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, để lắng nghe các ý kiến của các chuyên gia, DN.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng bày tỏ: “Quan điểm của Chính phủ Việt Nam về cuộc cách mạng công nghệ hiện nay mang lại cơ hội nhiều hơn là thách thức, nhất là với các nước đi sau như Việt Nam trên nền tảng công nghệ số. Đây là cách mạng về phát hiện nhu cầu hơn là cuộc cách mạng về công nghệ”.
Do vậy, Chính phủ Việt Nam mong hợp tác với đối tác, các quốc gia, ngoài góp ý về môi trường đầu tư nói chung thì cũng chia sẻ việc sớm hoàn thiện hệ sinh thái cho nền kinh tế số về nhân lực và thể chế.
Phó Thủ tướng cho biết từ chuyến đi Trung Quốc ngày hôm qua của mình, ông nhận thấy quốc gia này đi sau về phát triển công nghệ, nhưng hiện nay là cường quốc về fintech, thương mại điện tử và kiểm soát được hoàn toàn hệ thống thanh toán của các DN. Trong khi đó, ở Việt Nam dù tỉ lệ thanh toán tiền mặt đã giảm nhanh, nhưng vẫn còn rất lớn, kinh tế phi chính thức vẫn tồn tại ở quy mô không nhỏ so với GDP hiện nay.
Ảnh: VGP
Đối với tiến độ, lộ trình cổ phần hoá DN Nhà nước mà các tập đoàn quốc tế quan tâm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN sẽ hoạt động vào tháng 10 tới để bảo đảm tiến trình này diễn ra đúng các kế hoạch mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định trong giai đoạn 2016-2020.
“Danh mục các DN phải cổ phần hoá, thoái vốn trong từng năm từ nay tới 2020 đều đã có và các bộ, địa phương phải thực hiện đúng quy định này”, Phó Thủ tướng nói và cho biết, Chính phủ cũng nghiên cứu hình thức “cổ phiếu vàng” để tăng cường sự quan tâm đầu tư của các DN.