Bước đi lịch sử
CPTPP là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ra đời nhằm thay thế TPP sau khi Mỹ rút lui. Dù thiếu vắng nền kinh tế lớn nhất thế giới nhưng CPTPP vẫn giữ những tiêu chuẩn cao và tiến bộ nhất. Hiệp định này sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi được 6 trong 11 thành viên, bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, phê chuẩn.
Phát biểu sau lễ ký kết, Bộ trưởng Ngoại giao Chile Heraldo Munoz nhấn mạnh, hiệp định là tín hiệu mạnh mẽ "chống lại chủ nghĩa bảo hộ và ủng hộ một thế giới đa dạng hóa, đa phương hóa thương mại". Chia sẻ quan điểm của ông Munoz, nhiều người nhấn mạnh CPTPP là hiệp định quan trọng, có thể xây dựng mô hình cho các giao dịch thương mại trong tương lai.
CPTPP được ký kết trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa tăng thuế nhập khẩu vào thép và nhôm, động thái khiến nhiều quốc gia, tổ chức, quan ngại về một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu.
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Getty
Tổng thống Chile Michelle Bachelet nhấn mạnh: "Hôm nay, chúng ta có thể tự hào khi hoàn tất quá trình này, gửi một thông điệp mạnh mẽ tới cộng đồng quốc tế rằng mở cửa thị trường, hội nhập kinh tế và hợp tác quốc tế là công cụ tốt nhất để tạo nên cơ hội và sự thịnh vượng cho kinh tế".
CPTPP không có Mỹ
Dù không có Mỹ nhưng CPTPP vẫn rất có ý nghĩa với một thị trường gần 500 triệu dân. Ở thời điểm hiện tại, đây là hiệp định thương mại lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, sự ra đi của Washington không phải dấu chấm hết cho CPTPP. 11 quốc gia còn lại, trong đó có Việt Nam, vẫn nỗ lực làm việc cùng nhau để có được một hiệp định thương mại tiến bộ với những tiêu chuẩn cao nhằm định hình tương lai thương mại toàn cầu. CPTPP sẽ có hiệu lực khi được quá bán các quốc gia thành viên phê chuẩn, quá trình có thể kéo dài tới cuối năm.
Tổng thống Chila Michelle Bachelet cùng bộ trưởng của 11 nước thành viên CPTPP. Ảnh: Getty
CPTPP loại bỏ một số yêu cầu, vốn được phía Mỹ đưa ra khi đàm phán TPP, bao gồm các quy tắc tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ với dược phẩm. Nhiều quốc gia và các nhà hoạt động tin rằng quy định này sẽ làm tăng giá thuốc. Bản dự thảo cuối cùng của CPTPP được công bố hôm 21/2 tại New Zealand.
Hồi tháng Giêng, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ, Tổng thống Donald Trump để ngỏ khả năng quay lại nếu TPP tốt hơn cho nước Mỹ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại New Zealand nhấn mạnh điều này không khả thi trong tương lai gần trong khi Nhật Bản cho biết rất khó để thay đổi thỏa thuận.
Nỗ lực không mệt mỏi được đền đáp
Sự ra đi của Mỹ, quốc gia từng đóng vai trò tiên phong với thương mại toàn cầu, đã khiến nhiều người nghĩ tới dấu chấm hết với TPP. Tuy nhiên, nỗ lực không biết mệt mỏi của các nước thành viên, trong đó dẫn đầu là Nhật Bản, đã giúp hồi sinh hiệp định tiêu chuẩn cao nhằm tạo ra các chuẩn mực mới cho thương mại toàn cầu.
Quá trình đàm phán CPTPP (khi đó thường được biết với cái tên TPP-11) diễn ra liên tục tại các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bên lề APEC 2017 tại Đà Nẵng, Việt Nam, các đoàn đàm phán gấp rút làm việc nhằm thông qua TPP-11. Tuy nhiên, sự vắng mặt phút chót của Thủ tướng Canada Justin Truedeau trong cuộc họp giữa lãnh đạo 11 nước thành viên TPP-11 khiến hiệp định này một lần nữa lâm nguy.
Trong vai trò quốc gia chủ nhà APEC 2017, Việt Nam đã rất nỗ lực làm việc cùng Nhật Bản để đưa mọi thứ trở lại quỹ đạo. Dù còn rất nhiều khác biệt tưởng như không thể giải quyết, các quốc gia vẫn tiếp tục ngồi lại bàn đàm phán. Chính tại Việt Nam, TPP-11 thêm một lần được hồi sinh và chính thức được công bố với tên mới CPTPP.
Theo đó, CPTPP vẫn giữ nguyên các nội dung của TPP cũ nhưng cho một số các nước thành viên tạm hoãn các nghĩa vụ. CPTPP là toàn diện, cân bằng lợi ích các thành viên, có tính tới lợi ích của các nước.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi chia sẻ: "Chúng tôi có những tranh cãi gay gắt nhưng ở Đà Nẵng lần này, thông qua tính xây dựng của các bên, đàm phán đã thành công. Tôi gửi lời cảm ơn các trưởng đoàn đàm phán vì nỗ lực của họ. TPP có 8.000 trang tài liệu mà chỉ có 20 điều khoản tạm hoãn. CPTPP nỗ lực đảm bảo chất lượng như TPP".