Tổng diện tích nhà xưởng tại các khu công nghiệp trên toàn quốc lên tới khoảng hơn 6 triệu m2. |
Một báo cáo do JLL phát hành cách đây chưa lâu cho biết, hơn 20 năm qua, Việt Nam không ngừng phát triển dần trở thành một trong những điểm đến thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất trong khu vực Đông Nam Á.
Số liệu thống kê của JLL cho thấy, bắt đầu mở cửa từ năm 1986 với chỉ khoảng 335 ha đất dành riêng cho các khu công nghiệp. Đến năm 2018, Việt Nam đã có gần 80.000 ha đất công nghiệp.
JLL cho rằng, sự tăng trưởng mạnh mẽ này có được nhờ định hướng của Việt Nam trong việc: xây dựng kinh tế tập trung vào xuất khẩu, thành lập các khu công nghiệp và kinh tế trọng điểm, tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và sở hữu lực lượng lao động trẻ, dồi dào, chi phí thấp.
Báo cáo cũng nêu chi tiết từng khu vực cho thấy, tạ miền Bắc bao gồm 25 tỉnh thành, phần lớn khu công nghiệp hoạt động được phát triển bởi các tập đoàn trong nước. Ngoài ra còn có một số nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường này chẳng hạn như: VSIP (Singapore/Việt Nam); Thuận Thành 2 (Đài Loan); Nomura (Nhật Bản).
Hiện các khu công nghiệp tại phía Bắc có tổng diện tích đất 18.900 ha, diện tích nhà xưởng lên tới 2,7 triệu m2, giá thuê trung bình 4,1 USD/m2/tháng, tỷ lệ lấp đầy khoảng 82%.
Được xem là “lựa chọn hàng đầu” cho các nhà sản xuất muốn dịch chuyển ra khỏi thị trường Trung Quốc, khu vực phía Bắc là khu vực thu hút nhiều sự chú ý bởi các công ty đang tìm kiếm địa điểm đầu tư mới nhờ chi phí lao động thấp hơn trong khi vẫn duy trì được khoảng cách gần với cơ sở hiện hữu đang hoạt động của họ tại Trung Quốc.
Ngoài ra, do khởi đầu muộn hơn so với khu vực phía Nam, khu vực phía Bắc, dẫn đầu là Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh có lợi thế công nghệ cao tiên tiến hơn. Khu vực này cũng đã phát triển đáng kể trong vòng 5-10 năm qua và ngày càng trở nên hiện đại hơn.
Trong khi đó, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm 5 tỉnh/thành vẫn còn non trẻ khi so với khu vực miền Bắc và miền Nam vốn được hình thành và phát triển sớm hơn. Tổng diện tích đất phát triển 17.600 ha với tổng diện tích nhà xưởng 229.500 m2, giá thuê bình quân 2,9 USD/m2/tháng.
Phần lớn các khu công nghiệp đang hoạt động trong khu vực miền Trung được phát triển bởi các tập đoàn trong nước, một số khu công nghiệp ở Huế và Quảng Ngãi được phát triển bởi Ban Quản lý khu công nghiệp ủa tỉnh. Các ngành công nghiệp trọng điểm trong khu vực chủ yếu tập trung vào nhóm ngành công nghiệp nhẹ như công nghiệp chế biến thực phẩm.
Tại miền Nam gồm 17 tỉnh/thành, trong đó vùng kinh tế trọng điểm miền Nam gồm 8 tỉnh/thành. Tổng diện tích khu công nghiệp tại đây 44.700ha với diện tích nhà xưởng lên tới hơn 3 triệu m2, giá thuê trung bình 3,1 USD/m2/tháng.
Giống như 2 khu vực còn lại, phần lớn các khu công nghiệp đang hoạt động được phát triển bởi các chủ đầu tư trong nước. Ngoài ra còn có sự thâm gia của một số nhà đầu tư nước ngoài như VSIP và Amata (Thái Lan). Khu vực phía Nam tập trung xung quanh TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai, được coi là khu kinh tế sôi động nhất toàn quốc. Với lợi thế trung tâm phát triển công nghiệp đầu tiên, miền Nam luôn dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng, sự phát triển cũng như sự hấp dẫn của thị trường này.