Trong năm 2018, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ra xử phạt 397 trường hợp vi phạm của 129 tổ chức và 268 cá nhân. |
Hàng tuần, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vẫn công bố công khai các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên thị trường chứng khoán đối với các tổ chức và cá nhân. Những vi phạm trên thị trường chứng khoán đã được phát hiện cũng phản ánh được phần nào thực trạng minh bạch thông tin của doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Mới đây nhất, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định số 82/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt 15 triệu đồng do vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Thị Xuân Lan - người liên quan của ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô mua 25.000 cổ phiếu HDG vào ngày 30/10/2018, nhưng không báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM về việc dự kiến giao dịch cổ phiếu.
Bà Nguyễn Thị Xuân Lan là chị gái của ông Nguyễn Trọng Thông. Tính đến ngày 25/3/2019, bà Lan đang nắm giữ 758.028 cổ phiếu HDG. Ông Nguyễn Trọng Thông được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị HDG từ năm 2007 và tính đến 7/8/2018, ông Thông đang nắm giữ 33.272.671 (35,05%) cổ phiếu HDG.
Trước đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần dệt may Thắng Lợi và Công ty cổ phần thiết bị thủy lợi. Theo đó, mỗi công ty bị phạt 350 triệu đồng, do không đăng ký giao dịch chứng khoán.
Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt 55 triệu đồng đối với ông Trần Quốc Bình vì đã mua tổng cộng 1.525.000 cổ phiếu của Công ty Cổ phần Solavina (mã chứng khoán:SVN) và bán 1.070.000 cổ phiếu SVN, dẫn đến số lượng cổ phiếu sở hữu liên tục thay đổi (trở thành cổ đông lớn, tỷ lệ sở hữu thay đổi vượt quá các ngưỡng 1% và không còn là cổ đông lớn) nhưng chậm báo cáo sở hữu cổ đông lớn cho Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Những vi phạm trên thị trường chứng khoán đã được phát hiện cũng phản ánh được phần nào thực trạng minh bạch thông tin của doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Một báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới nhất cho thấy, tình trạng vi phạm hành chính về công bố và minh bạch thông tin vẫn tăng cao.
Theo thống kê của cơ quan này, giai đoạn 2010-2016, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ra hơn 1.000 quyết định xử phạm vi phạm hành chính trên thị trường chứng khoán. Riêng trong năm 2017, con số này là 214 quyết định xử phạt 80 cá nhân và 134 tổ chức.
Trong năm 2018, có 397 trường hợp vi phạm của 129 tổ chức và 268 cá nhân, trong đó, xử phạt 9 cá nhân có hành vi thao túng, tạo cung cầu giả; buộc cải chính thông tin đối với 3 trường hợp báo cáo không chính xác hoặc công bố thông tin sai lệch, buộc từ bỏ quyền biểu quyết đối với 1 trường hợp vi phạm chào mua công khai.
Số lượng vi phạm về báo cáo và công bố thông tin luôn chiếm trên 50% tổng số vi phạm bị xử phạt. Các lỗi vi phạm phổ biến trong minh bạch thông tin là công bố thông tin, báo cáo không đúng hạn, kịp thời; công bố thông tin không chính xác, đầy đủ; không công bố thông tin, báo cáo các thông tin quan trọng, bất thường, các sự kiện ít xảy ra. Những vi phạm này có ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích của nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Riêng việc công bố báo cáo tài chính còn chậm, phải xin gia hạn do báo cáo tài chính ở một số doanh nghiệp chất lượng còn hạn chế. Một số doanh nghiệp niêm yết vẫn chưa chủ động trong việc công khai các thông tin về tình hình hoạt động, tình hình sử dụng vốn, tình hình quản trị công ty, số liệu tại báo cáo tài chính còn có sai sót.
Để lý giải việc chậm công bố thông tin báo cáo tài chính, nhiều doanh nghiệp thường đưa lý do khách quan như công tác kế toán, kiểm toán cần thời gian dài; công ty con, công ty liên kết chưa phải công ty đại chúng, hoặc gặp trục trặc trong quá trình làm việc với kiểm toán...
Ngoài ra, thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cho rằng: chất lượng quản trị công ty còn thấp so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực. Trên thực tế, các doanh nghiệp trên thị trường kể cả doanh nghiệp niêm yết có quy mô lớn mới chỉ dừng lại ở mức tuân thủ các quy định mà chưa thực sự chủ động hướng tới việc cải thiện chất lượng quản trị công ty để nâng cao hoạt động của doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông.
Một số công ty chưa thực hiện đầy đủ theo quy định một số vấn đề như: một số thủ tục về tổ chức đại hội đồng cổ đông còn thiếu sót (tài liệu họp thiếu phiếu biểu quyết, việc lập danh sách cổ đông có quyền dự họp đại hội đồng cổ đông được lập không sớm hơn 5 ngày trước ngày gửi giấy mời họp), cơ cấu và tư cách thành viên hội đồng quản trị chưa đáp ứng quy định 1/3 thành viên hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập áp dụng cho công ty niêm yết, thành viên hội đồng quản trị trên 5 công ty, thủ tục thông qua các nghị quyết hội đồng quản trị, tiêu chuẩn thành viên Ban kiểm soát chưa đáp ứng quy định...
Việc sử dụng vốn thu được từ các đợt chào bán còn một số tồn tại, vi phạm chủ yếu liên quan đến giải tỏa số tiền thu được từ đợt chào bán trước khi có thông báo bằng văn bản của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thay đổi phương án sử dụng vốn không báo cáo, công bố thông tin theo quy định.
Ông Lê Công Điền, Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhận xét rằng: việc công bố và minh bạch thông tin trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề phải quan tâm, mặc dù trong những năm gần đây cho thấy chất lượng công bố thông tin trên thị trường chứng khoán đã được cải thiện rõ rệt so với trước kia.
Hạn chế trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan khác như: quy định pháp luật về công bố thông tin chưa hoàn chỉnh; ý thức tuân thủ các quy định của một số tổ chức, cá nhân tham gia thị trường còn chưa đầy đủ; chế tài xử phạt chưa đủ mạnh...
Chính vì vậy, trong thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tập trung giám sát, phát hiện và xử phạt nghiêm các vi phạm về thao túng, nội gián, vi phạm về nghĩa vụ báo cáo và công bố thông tin của thành viên thị trường nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch hóa trên thị trường chứng khoán, đảm bảo quyền bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin của nhà đầu tư nước ngoài.
Đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp và báo cáo tài chính, khuyến khích công bố thông tin bằng tiếng Anh đối với các doanh nghiệp niêm yết, lập và công bố thông tin báo cáo tài chính theo chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế.