Nhức nhối vấn nạn “quân xanh”
Kết luận thanh tra mới công bố của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đồng Nai về công tác đấu thầu tại huyện Thống Nhất đã liệt kê một loạt gói thầu có “mùi” về “quân xanh”. Đó là Gói thầu số 01 (xây lắp) Công trình Đường liên ấp Nguyễn Thái Học đi Bàu Hàm, xã Bàu Hàm 2 do Ban Quản lý dự án huyện Thống Nhất làm chủ đầu tư có 4 nhà thầu mua HSMT và 3 nhà thầu nộp HSDT. Đánh giá sơ bộ HSDT có 02 nhà thầu không đạt do HSDT không hợp lệ. Chỉ có HSDT của Công ty TNHH Vạn Điểm đáp ứng HSMT. Gói thầu số 01 (xây lắp) Công trình Xây dựng hệ thống thoát nước Hưng Long – Xã lộ 25 có 3 nhà thầu mua HSMT và cả 3 đều nộp HSDT. Đánh giá sơ bộ HSDT có 2 nhà thầu được đánh giá không đáp ứng tính hợp lệ. Tại gói thầu này, chỉ có Công ty TNHH Tiền Phong 1 có HSDT đáp ứng yêu cầu của HSMT.
Rất nhiều gói thầu được Sở KH&ĐT Đồng Nai thanh tra trong thời gian vừa qua đều có ít nhất 1 nhà thầu bị loại bởi không đủ tư cách hợp lệ. Đó là các gói thầu: Gói thầu số 03 (xây lắp) Công trình Trường Mẫu giáo Hoa Cúc, xã Hưng Lộc; Gói thầu số 10 (xây lắp + lán trại) thuộc Dự án Mở rộng, nâng cấp đường Ngô Quyền – Sông Thao giai đoạn 1; Gói thầu số 13 (xây lắp + lán trại) Công trình Trung tâm Văn hóa xã Gia Kiệm; Gói thầu 01 (xây lắp + lán trại) thuộc Dự án Trường Tiểu học Trần Quốc Toản…
Trên đây mới chỉ là lát cắt về hiện tượng nhà thầu dự thầu nhưng bị loại bởi vi phạm tư cách hợp lệ của HSDT của một huyện thuộc tỉnh Đồng Nai.
Làm sao loại trừ vấn nạn?
Tình trạng nhà thầu bị loại bởi không đủ tư cách hợp lệ cho thấy số lượng nhà thầu dự thầu “cho vui”, “dự mà không dự”, “dự cho đủ điều kiện mở thầu”… ngày càng nhiều, phổ biến. Nhiều người thường nói đùa, đi đấu thầu mà bị loại bởi tư cách hợp lệ của HSDT hoặc không đáp ứng những tiêu chí tối thiểu như không có bảo lãnh dự thầu, hồ sơ không niêm phong, đơn dự thầu không hợp lệ… không khác nào “đi cày quên trâu”, “đi thi quên bút”… Nhưng, nhà thầu không phải là người nông dân, càng không phải là anh học trò. Việc bị loại bởi HSDT không đáp ứng về tư cách hợp lệ ở bất kỳ nội dung nào thì nhà thầu hoàn toàn không ngây ngô đến mức “vô can”, và mọi lời giải thích trong trường hợp này đều… vừa nực cười vừa khó chấp nhận.
“Chỉ có cam tâm đi làm quân xanh cho nhà thầu khác mới có kiểu dự thầu như vậy. Không một nhà thầu đàng hoàng nào đi dự thầu lại để bị loại vì những lý do đáng ngờ cả”, chuyên gia Lê Văn Tăng đánh giá. Theo ông Tăng, với những gói thầu mà chỉ 3 nhà thầu tham dự nhưng có đến 2 nhà thầu bị loại bởi tư cách hợp lệ thì xét từ nhiều góc độ còn tệ hại hơn cả chỉ định thầu. “Vì ở đây, các nhà thầu, thậm chí có sự tiếp tay của bên mời thầu, đang diễn trò hề trong đấu thầu. Với những gói thầu này, không thể có sự cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả đúng nghĩa. Chắc chắn giá trúng thầu sẽ cực kỳ cao, sát với giá gói thầu được phê duyệt”, ông Tăng bình luận. Chuyên gia này còn quan ngại về tình trạng các “ông lớn” trong giới nhà thầu hiện nay cam tâm tình nguyện làm “quân xanh” dẫn đến sự lộn xộn, cạnh tranh không lành mạnh, gây khó khăn trong lựa chọn nhà thầu.
Làm thế nào để dần hạn chế vấn nạn “quân xanh” trong đấu thầu? Theo các chuyên gia, truyền thông phải chỉ mặt, bêu tên rõ những nhà thầu thường xuyên dự thầu nhưng bị loại bởi tư cách hợp lệ hoặc những lý do khó chấp nhận như đã nêu trên. Những thông tin về các nhà thầu này cần phải được công khai rộng rãi, phải được lọc ra để cơ quan quản lý dễ dàng nhận diện. “Quân xanh” trong đấu thầu vẫn còn “đất sống”, thậm chí “sống” tốt vì còn nhiều chủ đầu tư hoặc móc ngoặc với nhà thầu hoặc nhắm mắt làm ngơ để tạo ra “mảnh đất” thiếu cạnh tranh, minh bạch trong đấu thầu. Đội ngũ nhà thầu “quân xanh” vẫn còn sinh sôi nảy nở nếu sự giám sát, kiểm tra, thanh tra cũng như sự vào cuộc xử lý của cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu còn hình thức, chiếu lệ.