Vẫn lo vắc-xin thì sống chung Covid thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chuyển từ “zero Covid” sang “sống chung với Covid” phải có bệ đỡ vắc-xin, nhưng vắc-xin hiện mới tập trung ở các địa bàn trọng điểm thì làm sao mà sống chung được, thậm chí có địa phương đã có vắc-xin nhưng lại thiếu kim tiêm là điều rất lạ.

Đó là băn khoăn của ông Ngô Trung Thành, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk tại thảo luận ở Tổ về kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2021, Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV ngày 21/10.

Theo ông Thành, thực tiễn cho thấy cần cải thiện năng lực dự báo, phân tích sâu sắc. Biến thể delta xuất hiện ở Ấn Độ trước chúng ta 1 tháng, nhìn rất rõ hệ quả, chúng ta có kịch bản nhưng khi xảy ra thì lại rất bị động. Điều đó cho thấy năng lực dự báo chưa tốt. Bên cạnh đó, tiến độ phủ vắc-xin cũng chậm, chúng ta đã tiếp cận ngay từ đầu nhưng vẫn chậm, nếu phủ vắc-xin được sớm hơn, tập trung cho địa bàn trọng điểm thì đã yên tâm.

Đại biểu Quốc hội Ngô Trung Thành

Đại biểu Quốc hội Ngô Trung Thành

“Đắk Lắk mới có khoảng 11% người dân được tiêm, nếu chuyển từ “zero Covid” sang “sống chung với Covid” thì phải có bệ đỡ vắc-xin, mà bệ đỡ mới ở mức như vậy thì làm sao mà sống chung được. Chắc chắn là phải sống chung rồi, không có cách nào khác nhưng làm thế nào để sống chung là điều rất băn khoăn. Hơn nữa, nhìn từ câu chuyện của Đồng Nai được bổ sung 500 nghìn liều vắc-xin nhưng lại thiếu kim tiêm, tôi cũng thấy rất lạ. Tại sao kim tiêm lại phải đợi Bộ Y tế cấp mới tiêm được? Trong khi đó, nguồn cung kim tiêm ở thị trường không quá khan hiếm. Đáng lý ra, có vắc-xin thì phải tiêm ngay bởi chậm ngày nào dở ngày đó”, ông Thành băn khoăn.

Cũng theo vị đại biểu này, năm 2021, tình hình kinh tế - xã hội khó khăn, cần có giải pháp thực hiện các mục tiêu trong bối cảnh đứt gãy nguồn cung, thiết hụt lao động. Ở khía cạnh khác, doanh nghiệp FDI đầu tư vào mà không có lao động thì rất băn khoăn. Trước khi có dịch, nguồn lao động có chất lượng đã là thách thức trong thu hút đầu tư.

“Với 2 triệu người di cư là vấn đề đáng lo với việc mở lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, giải pháp kinh tế - xã hội đặt ra cho năm nay và năm sau phải nêu rõ kế hoạch và chiến lược đưa người lao động từ quê hương trở lại nơi lao động. Trong đó, cần có chính sách hỗ trợ, đưa người lao động quay trở lại, đảm bảo nơi ăn chốn ở, hỗ trợ học hành cho con em của họ”, ông Thành nói.

Chuyên đề