Theo VAMC, tính đến thời điểm hiện tại, sau hơn 3 năm hoạt động, VAMC đã mua tổng cộng được 25.689 khoản nợ xấu tại 42 TCTD tại Việt Nam, với tổng dư nợ gốc 284.206 tỷ đồng, giá mua nợ thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 247.423 tỷ đồng.
Hầu hết khoản nợ xấu VAMC đã nhận từ các TCTD đều có tài sản bảo đảm là bất động sản hoặc tài sản hình thành từ vốn vay, kể cả bất động sản, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, dự án, trái phiếu doanh nghiệp...
Lũy kế từ năm 2013 đến nay, VAMC đã phối hợp với các TCTD thu hồi nợ được 50.165 tỷ đồng bằng nhiều hình thức bán nợ, bán tài sản bảo đảm đạt tỉ lệ 17,6% so với tổng dư nợ gốc.
Theo ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC, đơn vị đặt mục tiêu đến hết năm 2020 sẽ xử lý được 150.000 tỷ đồng nợ xấu, tương đương với 70% giá trị các khoản nợ xấu đã mua. VAMC đang rà soát, xây dựng từ mô hình tổ chức đến cơ chế hoạt động để làm sao VAMC thực sự là cơ quan xử lý nợ xấu không chỉ của ngành ngân hàng mà rộng ra là nền kinh tế.
Mục tiêu chính trong xử lý nợ xấu là tái tạo nguồn lực cũng như giảm chi phí vốn cho nền kinh tế. Bởi, nếu như nợ xấu không được khơi thông thì lãi suất cho vay không thể hạ được, chi phí vốn sẽ đắt đỏ hơn kỳ vọng. Theo ông Đông, muốn VAMC phát huy được vai trò thì phải có thực lực theo đúng nghĩa, có cơ chế xử lý, tạo hướng đi cụ thể cho VAMC, phải minh bạch giữa quyền lợi nghĩa vụ của các bên…