Ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông trọng yếu

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - “Là một nước đang phát triển với kết cấu hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ, Chính phủ đang và sẽ tập trung đầu tư vào hạ tầng trọng yếu của quốc gia như đường bộ cao tốc Bắc - Nam, sân bay quốc tế Long Thành, các cao tốc liên kết vùng, các tuyến đường sắt đô thị… Phấn đấu đến 2030 cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội ngày 10/11/2020.

Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng là một trong những giải pháp củng cố niềm tin và sự lạc quan của các nhà đầu tư và doanh nghiệp vào môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên
Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng là một trong những giải pháp củng cố niềm tin và sự lạc quan của các nhà đầu tư và doanh nghiệp vào môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong thời gian qua, Đồng bằng sông Cửu Long liên tục bị xâm nhập mặn. Năm 2016 thiệt hại nặng nề. Chúng ta đã chuyển thời vụ kịp thời nên năm nay chỉ thiệt hại trên 7% so với 2016. Đặc biệt, chúng ta cũng đã tăng cường bố trí nguồn lực so với giai đoạn trước, có nhiều giải pháp giải quyết vấn đề giao thông nội vùng và liên vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, đã triển khai đầu tư một số công trình quan trọng, quy mô lớn như Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, cống Trà Sư, khánh thành 51 km Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, các công trình ngọt hóa Bến Tre, đường Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ… Thời gian tới, sẽ bố trí bổ sung hơn 1 tỷ USD (tương đương 25 nghìn tỷ đồng) cho khu vực này và giai đoạn tiếp theo sẽ tiếp tục đầu tư cho giao thông vận tải nội vùng và liên vùng như đường ven biển Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Tiền Giang… Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng, với các biện pháp phi công trình và công trình, với sự chỉ đạo quyết liệt, chúng ta sẽ giữ được Đồng bằng sông Cửu Long ít bị tác động nhất bởi biến đổi khí hậu.

Tại phiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, thời gian tới sẽ tập trung nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông phía Nam, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu là đến năm 2025 sẽ hoàn thành xong tuyến cao tốc TP.HCM - Cà Mau. Hiện nay, nhiều tuyến cao tốc phía Nam cũng đang được đầu tư mạnh như: cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cao tốc Cà Mau - Bạc Liêu, cao tốc Bạc Liêu - Cần Thơ.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, qua các tính toán, kế hoạch đầu tư vào hạ tầng giao thông thì mục tiêu đến năm 2025, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có ít nhất 300 km đường cao tốc, hiện đã bố trí đủ vốn để thực hiện. Chính phủ đặt mục tiêu thông tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau vào năm 2025. Ngoài các tuyến cao tốc, hiện nay, Bộ Giao thông vận tải cũng đang tập trung vào 4 trục giao thông dọc, 4 trục giao thông ngang, tạo nên mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo kế hoạch, cuối năm 2020 sẽ thông xe từ Trung Lương đến Mỹ Thuận dài 54 km và đến năm 2023 sẽ hoàn thành thi công cầu Mỹ Thuận 2 và đường kết nối vào cầu. Dự kiến, đến năm 2023 tuyến đường cao tốc nhánh từ TP.HCM đến Cần Thơ dài khoảng 130 km sẽ chính thức thông xe. Hiện nay đoạn từ Vàm Cống đến Rạch Sỏi dài 51 km đã được thông xe kỹ thuật và dự kiến sẽ khánh thành vào cuối năm 2020...

Bên cạnh đó, trả lời đại biểu Rơ Chăm Long (Kon Tum) về Dự án Đầu tư tuyến cao tốc Gia Lai - Kon Tum - Bình Định, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, giao thông trong vùng còn khó khăn nên cần nâng cấp các tuyến quốc lộ kết nối Tây Nguyên với vùng ven biển với 3 dự án Quốc lộ 19, Quốc 24, Quốc 25, khi có điều kiện sẽ làm cao tốc tuyến Gia Lai - Kon Tum - Bình Định.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, để củng cố hơn nữa niềm tin và sự lạc quan của các nhà đầu tư và doanh nghiệp vào môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, một trong những giải pháp cần tiếp tục thực hiện thời gian tới là ưu tiên đầu tư và triển khai nhanh các dự án kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các kết cấu hạ tầng chiến lược, hạ tầng xương sống về cả ba phương diện: số lượng, chất lượng và tính đồng bộ. Đồng thời, chú trọng đầu tư bảo đảm hệ thống hạ tầng cơ bản ở nông thôn miền núi.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, một trong những giải pháp cần chú trọng thời gian tới là tăng cường hiệu quả, chất lượng đầu tư, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tập trung nguồn lực, nguồn vốn cho các công trình trọng điểm, bảo đảm quốc phòng, an ninh; đầu tư nguồn lực cho công tác cứu hộ, cứu nạn và phòng, chống thiên tai, tu bổ, xử lý đê xung yếu, kè sông biên giới, bố trí đầu tư hạ tầng giao thông cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và miền núi phía Bắc...

Chuyên đề