Công ty quận 6 chỉ là vỏ bọc?
Như thông tin đã được đăng tải trên Báo Đầu tư trong các số ra gần đây (bài “Điểm lạ” tại Dự án Vạn Phúc Riverside, số 3195, ra ngày 10/5/2017; bài Dự án Vạn Phúc Riverside: Quy định “lạ” và sự sốt sắng quá mức, số 3198, ra ngày 17/5/2017; bài Chủ đầu tư Dự án Vạn Phúc Riverside: “Vòng quay thần kỳ” đẩy giá 400%, số 3202, ra ngày 26/5/2017), những uẩn khúc trong thủ tục pháp lý khi triển khai Dự án Vạn Phúc Riverside lần lượt được đề cập.
Tuy nhiên, với một dự án có diện tích đất chiếm dụng lớn, ảnh hưởng tới nhiều hộ dân, thời gian triển khai kéo dài trong nhiều năm, những “uẩn khúc” về dự án này tiếp tục phát lộ. Mặc dù vậy, cần phải khẳng định ngay rằng, không thể nại ra việc, do quá trình thực hiện dự án kéo dài qua các thời kỳ phát triển khác nhau của TP.HCM và ảnh hưởng từ việc hoàn thiện của hệ thống pháp luật về quản lý đất đai để lý giải cho những bước đi bất thường trong triển khai Dự án. Bởi lẽ, dù có những thay đổi lớn trong hệ thống pháp lý về quản lý đất đai và quản lý đầu tư, thì trên hết, các thủ tục pháp lý về các vấn đề trên đều phải mang tính kế thừa.
Tại dự này, câu hỏi lớn nhất và quan trọng nhất đối với tính pháp lý của Dự án và vai trò của các văn bản nhằm hoán đổi vị trí của các chủ đầu tư mang tính “lót đường” tới chủ đầu tư đích thực tiếp tục được đặt ra.
Lần lại quãng đường đi kéo dài tới hơn 2 năm của các quyết định do UBND TP.HCM về việc giao quyền thực hiện Dự án có thể thấy, thực sự là rất… lòng vòng!
Ban đầu, UBND TP.HCM có Quyết định 256/QĐ - UB thu hồi 177 ha đất và giao 198 ha đất cho Công ty Xây dựng và Phát triển kinh tế quận 6 (Công ty quận 6) để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính Khu đô thị Hiệp Bình Phước, nhưng sau đó, công ty này phải bàn giao toàn bộ diện tích lại cho UBND Thành phố để quyết định việc giao đất, cho thuê đất đối với các dự án thành phần theo quy định pháp luật về đất đai.
Tháng 10/2004, phương án bồi thường số 1500/PABT có nội dung: “Dự toán kinh phí bồi thường là 357.9995.329.888 đồng. Nguồn vốn đầu tư là vốn thực hiện dự án do các doanh nghiệp tham gia các dự án thành phần đóng góp toàn bộ chi phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính”. Không hiểu sao, Công ty quận 6 được quyền thu tiền các dự án thành phần, trong khi UBND Thành phố chưa lựa chọn và giao đất cho ai.
Đến ngày 27/12/2004, UBND TP.HCM giao 3 dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở. Trong đó, giao một dự án cho Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh dịch vụ xuất nhập khẩu quận 1 (theo Quyết định 6492/QĐ - UB); giao 2 dự án cho Công ty quận 6 (Quyết định 6496/QĐ - UB).
Đến ngày 24/10/2005, UBND TP.HCM bất ngờ ban hành Quyết định 5458/QĐ - UBND để điều chỉnh Quyết định 6492/QĐ - UB, theo đó, điều chỉnh, bổ sung “Chủ đầu tư: Công ty TNHH Đầu tư địa ốc Vạn Phúc”.
Chưa hết, ngày 15/11/2006, UBND TP.HCM tiếp tục có Quyết định 5222/QĐ - UBND điều chỉnh, bổ sung 3 quyết định định trước đó là Quyết định 256/QĐ - UB, Quyết định 6495/QĐ - UB, Quyết định 6496/QĐ-UB với nội dung: “Giao Công ty TNHH Vạn Phúc tổ chức xây dựng hạ tầng chung dự án và thực hiện dự án thành phần tại khu đất trước kia đã giao cho Công ty Xây dựng và Phát triển kinh tế quận 6”.
“Như vậy, với đường đi lòng vòng của các văn bản, cuối cùng, Công ty quận 6 chỉ là một vỏ bọc cho Công ty Vạn Phúc thâu tóm quỹ đất này”, luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM), nhận xét.
Dự án khủng không giấy chứng nhận đầu tư?
Để tìm hiểu tính pháp lý dự án này, phóng viên Báo Đầu tư đã tới các cơ quan chức năng của Thành phố để tìm hiểu. Một điều lạ là, trong các văn bản pháp lý và giao dịch của Dự án Vạn Phúc Riverside, phóng viên Báo Đầu tư không thể tìm được giấy chứng nhận đầu tư, hay phê duyệt dự án theo quy định pháp luật.
Tại Quyết định 5222/QĐ - UBND dù có căn cứ Luật Đất đai 2003, Luật Đầu tư 2005, nhưng lại hoàn toàn không theo các quy định, không có hình thức nào “điều chỉnh” chủ đầu tư, không có hình thức nào “điều chỉnh” để thay thế việc thu hồi và giao đất.
Với kiểu đi tắt, đi sai bằng các “điều chỉnh” lạ lùng, các doanh nghiệp được giao đất mới không phải lập dự án đầu tư, không phải theo thủ tục phê duyệt dự án, đặc biệt là hưởng lợi trong việc tính tiền sử dụng đất nộp ngân sách, tiền bồi thường cho người dân.
Với những uẩn khúc như trên, cơ quan chức năng cần thanh, kiểm tra toàn bộ dự án từ thời gian đầu theo Quyết định 256/QĐ - UB đến nay về trình tự thủ tục thu hồi đất, giao đất, lựa chọn chủ đầu tư dự án thành phần và tính lại tiền sử dụng đất để tránh thất thu ngân sách nhà nước, đồng thời xác định giấy tờ pháp lý liên quan đến dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Nhà ở.