Tỷ giá USD/VND đang khá ổn định nhờ vào cả tác động tích cực lẫn tiêu cực của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. |
Trong thế cân bằng
Trong buổi gặp gỡ báo chí tại Hà Nội tuần trước, ông Divya Devesh, Trưởng nhóm nghiên cứu ngoại hối khu vực ASEAN và Nam Á của Ngân hàng Standard Chartered đưa ra nhận định về các tác động đa chiều của chiến tranh thương mại giữa Mỹ-Trung Quốc lên tỷ giá USD/VND, trong đó có việc tăng trưởng toàn cầu giảm tốc, kéo theo nhu cầu xuất khẩu giảm tại nhiều quốc gia.
“Xuất khẩu toàn cầu không tăng trưởng tốt như trong các năm trước đây. Chúng ta nhận thấy tăng trưởng xuất khẩu đã giảm đi phần nào, dù vẫn tăng nhưng không tăng nhanh như trước nữa. Và thặng dư thương mại do đó cũng bị thu hẹp, qua đó tác động trái chiều lên tiền đồng”, ông Devesh chia sẻ.
Bên cạnh đó, các động lực chính hỗ trợ tiền đồng (VND) là dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hiện được khối nghiên cứu của ngân hàng này dự đoán sẽ đạt khoảng 15 tỉ đô la trong năm 2019, nhờ tác động tích cực của chiến tranh thương mại kích thích dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam.
“Vì cuộc chiến thương mại, Việt Nam đã trở thành một điểm đến thu hút dòng chảy FDI và điều này phần nào giúp hỗ trợ tiền đồng”, ông Devesh nhấn mạnh.
“Chúng tôi dự đoán tiền đồng sẽ giữ được sự ổn định trong 3 đến 6 tháng sắp tới. Về dự đoán cho cuối năm 2019, tỷ giá sẽ ổn định ở mức 23.100đồng cho một đô la và thời điểm tháng 6 năm 2020 là 23.000 đồng cho một đô la. Đồng VND qua đó sẽ tăng nhẹ so với đồng đô la nhờ sự hỗ trợ nhất định của cán cân thanh toán, thặng dư tài khoản vãng lai bằng xấp xỉ 3% GDP, và dòng vốn FDI đạt ngưỡng 15 tỉ đô la một năm”.
Còn theo dự báo được đưa ra bởi ông Joseph Incalcaterra, chuyên gia kinh tế ASEAN cấp cao của ngân hàng HSBC, tỷ giá USD/VND được dự báo sẽ ở mức 23.550 đồng trong năm 2019 và giữ vững tại mức này trong năm tới.
Nhận định về tỷ giá có phần “hơi cao” so với diễn biến của thị trường được đưa ra bởi bộ phận nghiên cứu độc lập, ông Phạm Hồng Hải, Thành viên Hội đồng thành viên của Ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định nhiều khả năng phần điều chỉnh tỷ giá của thị trường sẽ thấp hơn mức dự báo độc lập này bởi Việt Nam sẽ không muốn bị coi là sử dụng chính sách tỷ giá hay can thiệp tiền tệ để hỗ trợ xuất khẩu, đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đang tăng nhanh trong thời gian này.
“NHNN không có nhu cầu đẩy tỷ giá lên nhanh. Nhìn chung, tôi dự báo trong mỗi năm đâu đó mức tăng tỷ giá 2% là ngưỡng chấp nhận được”, ông Hải chia sẻ bên lề hội thảo Triển vọng kinh tế vĩ mô "Vươn mình trong thách thức" được tổ chức tại Hà Nội tuần trước.
Tại cuộc họp thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quí 3 năm 2019 tổ chức tại Ngân hàng Nhà nước hôm 1-10, Phó thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh tỷ giá trên thị trường ngoại tệ hiện tương đối ổn định, diễn biến linh hoạt phù hợp với sự thay đổi của điều kiện thị trường. Trong đó thanh khoản thị trường được đảm bảo, các giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. NHNN mua ròng ngoại tệ, bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước.
Tác động đến chậm của chiến tranh thương mại
Dòng vốn FDI được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới khi cuộc chiến thương mại sẽ tiếp tục kéo dài. Với dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài ổn định, tiền đồng sẽ giữ vững vị thế trong trung và dài hạn.
Theo ông Edward Lee, Trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế phụ trách khu vực ASEAN và Nam Á của Ngân hàng Standard Chartered, Việt Nam tại thời điểm hiện tại đã thu hút được một lượng vốn đầu tư trực tiếp nhiều hơn trung bình cộng của cả 5 năm trước đây.
Tuy nhiên, nguồn vốn FDI của thời điểm hiện tại lại là kết quả của việc thu hút dòng vốn này qua lợi thế lao động giá rẻ của Việt Nam được quảng bá trong thời gian trước. Tác động của cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh lúc này chưa thực sự ảnh hưởng lên dòng chảy FDI vào Việt Nam.
Theo một cuộc khảo sát của ngân hàng Standard Chartered, nếu nhiều nhà sản xuất có trụ sở tại Trung Quốc trước đây trả lời "không" cho câu hỏi nếu họ có ý định rời cơ sở sản xuất ra khỏi nước này vì cuộc chiến thương mại, giờ khi được hỏi lại họ đã trả lời là có.
“Chiến tranh thương mại đang gia tăng xu hướng các công ty FDI nghĩ đến việc phải di cư khỏi Trung Quốc”, ông Lee nói. “Điều này phản ánh các công ty này đều có suy nghĩ chung là cuộc chiến thương mại sẽ dài hơi”.
Dòng vốn chảy vào Việt Nam trong thời gian tới, do đó, sẽ là kết quả trộn lẫn của sức hút lao động giá rẻ và hệ quả của cuộc chiến thương mại dẫn đến sự dịch chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Theo một báo cáo kinh tế của chuyên gia kinh tế trưởng Michael Kokalari của VinaCapital, dòng vốn FDI hàng năm chảy vào Việt Nam được dự báo sẽ tăng từ con số 20 tỉ đô la trong năm 2020 lên 50 tỉ đô la trong 5 năm sau đó. Tăng trưởng FDI hàng năm sẽ tăng gấp đôi từ 10% lên 20%, đến từ một nửa dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam có khả năng sẽ bị thay thế bởi dòng vốn dịch chuyển từ các công ty đang hoạt động tại Trung Quốc sang Việt Nam, do chiến tranh thương mại châm ngòi.
Trong lúc này, nguồn cung ngoại tệ sẽ tiếp tục đươc hỗ trợ qua dự trữ ngoại hối đang tiến đến gần con số 70 tỷ đô la, cùng với một lượng lớn ngoại tệ chảy vào qua các thương vụ M&A gần đây như thương vụ Quỹ đầu tư GIC của Singapore rót 500 triệu đô la vào chuỗi siêu thị Vinmart hay BIDV phát hành cổ phần riêng lẻ trị giá gần 900 triệu đô la cho KEB Hana Bank.
Thêm vào đó là dòng vốn gián tiếp đến từ nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm đã cam kết sẽ đầu tư tổng cộng 425 triệu đô la vào các công ty khởi nghiệp của Việt Nam trong trong ba năm tới. Một số quỹ đã rót vốn vào Việt Nam như quỹ đầu tư DT&Investment (DT&I) của Hàn Quốc công bố khoản đầu tư 1,4 triệu đô la vào Propzy, một nền tảng bất động sản O2O (online đến offline), hồi tháng 6 vừa qua cùng cam kết sẽ thành lập một quỹ dành riêng cho thị trường Việt Nam với tổng giá trị 40 triệu đô la trong năm 2020.