Theo hồ sơ vụ án, sau khi thành lập công ty cổ phần xuất nhập khẩu Trần Lê Minh (trụ sở tại quận 12), năm 2017, Trần Quốc Vương mua máy móc công cụ đã qua sử dụng, sản xuất vào thập niên 1980, 1990 gồm máy tiện, máy phay, máy ép nhựa… từ một người đàn ông Nhật Bản tên Makoto.
Mặt hàng này không đủ điều kiện nhập khẩu theo quy định tại Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ về nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng do tuổi thiết bị vượt quá 10 năm kể từ ngày sản xuất.
Dù biết rõ như vậy nhưng Vương vẫn trực tiếp sử dụng pháp nhân công ty Trần Lê Minh và thuê Vũ Văn Dũng (sinh năm 1970, ngụ quận Bình Thạnh), Phạm Đình Huân (sinh năm 1981, ngụ quận 9) dùng pháp nhân công ty trách nhiệm hữu hạn Gia Hưng, công ty trách nhiệm hữu hạn Long Bình, công ty trách nhiệm hữu hạn Ánh Dương, công ty trách nhiệm hữu hạn Khánh Huy lập giả hồ sơ (gồm hợp đồng ngoại thương, hóa đơn, danh sách hàng hóa...) để nhập số lượng lớn hàng hóa từ Nhật Bản về Việt Nam tiêu thụ. Trên các tờ khai hàng hóa nhập khẩu đều ghi năm sản xuất các loại máy móc này là 2008.
Khi hàng về đến cảng Cát Lái, Dũng sẽ làm thủ tục nhập khẩu lô hàng và giao cho Vương tại kho chi nhánh công ty trách nhiệm hữu hạn Khánh Huy. Huân là người giúp sức cho Dũng trong việc làm giả hồ sơ và làm thủ tục mở tờ khai hải quan để nhập khẩu các lô hàng. Tổng giá trị hàng hóa mà Vương cùng đồng bọn nhập lậu tương đương 90 tỷ đồng.
Nguyễn Mộng Hùng (sinh năm 1968, ngụ quận 12) là quản lý kho cho Vương. Thấy ông chủ nhập lậu máy móc công cụ đã qua sử dụng, Hùng cũng “ké” theo. Với thủ đoạn tương tự, Hùng thuê Dương Minh Trường (sinh năm 1984, Giám đốc Công ty TNHH Minh Kỳ) sử dụng pháp nhân công ty trách nhiệm hữu hạn Minh Kỳ làm giả hồ sơ để nhập máy móc công cụ đã qua sử dụng. Lô hàng sau khi kiểm hóa được Trường đưa về Kho chi nhánh công ty trách nhiệm hữu hạn Khánh Huy, giao cho Hùng tiêu thụ. Trường đã nhập cho Hùng 33 lô hàng với tổng số tiền thanh toán tương đương 5,1 tỷ đồng.