Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Trong tờ trình ký sáng 11/4, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết, phương án hoán đổi được đưa ra sau khi lấy ý kiến và tổng hợp từ 15 bộ, cơ quan liên quan. Đến nay, có 13 bộ, cơ quan có ý kiến tham gia, 100% nhất trí với phương án do Bộ LĐ-TB&XH đề xuất.
Cụ thể, hầu hết các bộ, cơ quan cho rằng việc bố trí hoán đổi ngày làm việc bình thường và làm bù sang ngày khác vừa giúp đảm bảo người dân cả nước có dịp nghỉ lễ hài hòa, trọn vẹn vừa giúp kích cầu du lịch, tiêu dùng xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đồng thời, việc hoán đổi này cũng không làm thay đổi quỹ thời gian làm việc của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Kết quả lấy ý kiến người lao động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho thấy, tuyệt đại bộ phận người lao động ủng hộ đề xuất nghỉ 5 ngày.
Về căn cứ pháp lý, cơ quan soạn thảo cho biết, theo quy định tại khoản 3 Điều 112 Bộ luật Lao động, hằng năm căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ tết Âm lịch và Quốc khánh.
Điểm b khoản 2 Điều 28 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019) cũng quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ: "Chỉ đạo việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập".
Trên cơ sở đó, Bộ LĐ-TB&XH báo cáo Thủ tướng phương án hoán đổi ngày làm việc bình thường vào thứ hai, 29/4, trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay và tổ chức ngày làm bù khác.
Cụ thể, đối với công chức, viên chức, ngày làm việc này sẽ được hoán đổi sang làm bù vào thứ bảy (4/5). Hoán đổi như vậy, công chức, viên chức được nghỉ 5 ngày liên tục từ thứ bảy, ngày 27/4 đến hết thứ tư, ngày 1/5.