Một phiên họp toàn thể của Quốc hội tại kỳ họp đang diễn ra. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội |
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, các đô thị nói chung là những đơn vị hành chính có mật độ dân cư tập trung, cơ sở hạ tầng thống nhất, các lĩnh vực quy hoạch đô thị, quản lý, phát triển kết cấu hạ tầng, tổ chức đời sống dân cư... có tính chất liên thông trên địa bàn. Vì vậy, quản lý đô thị đòi hỏi phải bảo đảm tính thống nhất và xuyên suốt các hoạt động kinh tế - xã hội trong toàn đô thị, không nên chia cắt, giao cho nhiều cấp, nhiều cơ quan quản lý.
Thủ đô Hà Nội là đô thị loại đặc biệt, trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm kinh tế, khoa học công nghệ, văn hóa - xã hội của cả nước. Mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện hành của thành phố Hà Nội chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, chưa tạo được sự khác biệt giữa khu vực đô thị và nông thôn. Những thách thức về đô thị hóa, hội nhập quốc tế, sự gia tăng dân số, áp lực về hạ tầng cơ sở, môi trường, an ninh trật tự... đòi hỏi một mô hình quản lý phù hợp với đặc thù đô thị của Thủ đô, các vấn đề quy hoạch phát triển, kết cấu hạ tầng và kinh tế - xã hội cần phải được quyết định ở cấp thành phố và cấp quận, thị xã; chính quyền phường chỉ thừa hành thực hiện, do đó việc tiếp tục duy trì HĐND phường đã không còn phù hợp đối với Thủ đô Hà Nội, ở phường chỉ nên tổ chức cơ quan hành chính để thực hiện một số công việc cụ thể của quản lý hành chính nhà nước và cung ứng một số dịch vụ công theo phân cấp, ủy quyền của chính quyền cấp trên.
Báo cáo thẩm tra Tờ trình của Chính phủ do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc thí điểm không tổ chức HĐND phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021- 2026. Việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết để quy định việc thí điểm là bảo đảm cơ sở pháp lý theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 15 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Nội dung của dự thảo Nghị quyết cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo Nghị quyết với hệ thống pháp luật; tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Hồ sơ, tài liệu về dự thảo Nghị quyết được chuẩn bị nghiêm túc, bảo đảm theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua theo trình tự tại một kỳ họp.
Ông Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, theo Tờ trình thì Chính phủ chỉ trình Quốc hội ban hành dự thảo Nghị quyết để thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND tại tất cả các phường (177 phường) thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây của thành phố Hà Nội mà chưa trình Quốc hội xem xét, quyết định các nội dung khác đã được nêu tại Kết luận số 46-KL/TW của Bộ Chính trị, Ủy ban Pháp luật thấy rằng, theo Kết luận số 46-KL/TW thì Bộ Chính trị giao Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo Quốc hội triển khai thực hiện 3 nội dung, nhưng không nhất thiết tất cả các nội dung này phải trình đồng thời trong cùng một thời điểm.
Việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm không tổ chức HĐND phường trong năm 2019 không chỉ thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị mà còn tạo sự chủ động cho Chính phủ và chính quyền thành phố Hà Nội trong việc chuẩn bị nhân sự và tổ chức Đại hội đảng bộ cấp phường nhiệm kỳ 2020 - 2025, tiến tới bầu cử HĐND các cấp và kiện toàn UBND phường nhiệm kỳ 2021 - 2026 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Do đó, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với nội dung, phạm vi, mục tiêu và quan điểm thực hiện thí điểm như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Về việc điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND và Chủ tịch UBND quận, thị xã, Ủy ban Pháp luật thấy rằng, việc thí điểm không tổ chức HĐND phường tại thành phố Hà Nội không chỉ liên quan và tác động trực tiếp đến các phường thực hiện thí điểm mà còn liên quan và ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức hoạt động của các thiết chế thuộc chính quyền địa phương ở quận, thị xã và cấp thành phố. Để phù hợp, thích nghi với mô hình tổ chức chính quyền mới ở phường thì các thiết chế HĐND và UBND ở quận, thị xã và thành phố cũng phải cơ cấu lại nhiệm vụ, quyền hạn, xác định rõ việc nào thành phố đảm nhiệm, việc nào giao cho quận, thị xã và việc nào có thể giao cho cơ quan hành chính ở phường quyết định; cùng với đó là phải đổi mới phương thức hoạt động của các cơ quan, đặc biệt là UBND phường.
Bên cạnh việc làm rõ các nội dung phân quyền, cần đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền và tăng cường sự kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với chính quyền ở phường để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, phục vụ doanh nghiệp và người dân. Hơn nữa, việc thay đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương (không tổ chức HĐND) sẽ kéo theo nhiều thay đổi trong mối quan hệ với các cơ quan, tổ chức khác ở địa phương (các cơ quan thuộc hệ thống chính trị đồng cấp và các cơ quan ngành dọc đóng tại địa phương).
Những nội dung này sẽ liên quan đến tính thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần rà soát thật kỹ để bảo đảm tính thống nhất giữa dự thảo văn bản với quy định trong các văn bản khác của hệ thống pháp luật, tránh bỏ sót, bỏ trống nhiệm vụ hoặc xử lý không thỏa đáng trong mối quan hệ với các cơ quan, tổ chức khác ở địa phương.
Về UBND phường, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cho rằng, tuy UBND phường nơi thực hiện thí điểm có sự khác biệt cơ bản về địa vị pháp lý, tính chất và cơ cấu tổ chức, nhưng nhất trí vẫn giữ tên gọi là UBND với những lý do nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Về cơ cấu tổ chức của UBND phường, Ủy ban Pháp luật cho rằng, để có cơ sở xác định cơ cấu tổ chức của UBND phường ở nơi thực hiện thí điểm thì cần làm rõ tính chất và địa vị pháp lý của cơ quan này. Đây là cơ quan hành chính thuộc UBND quận, thị xã đặt tại phường (do UBND quận, thị xã quản lý biên chế, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức) để thực hiện vai trò của chính quyền địa phương ở phường.
Với cách tiếp cận này thì việc dự thảo Nghị quyết vẫn duy trì cơ cấu UBND ở nơi thực hiện thí điểm như cơ cấu của UBND nơi không thực hiện thí điểm là không phù hợp. Ủy ban Pháp luật đề nghị xác định cơ cấu tổ chức của UBND phường gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các công chức của UBND (không có chức danh Ủy viên UBND như hiện nay).
Với cơ cấu tổ chức nêu trên, Ủy ban Pháp luật đề nghị xác định UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng, không phải theo chế độ tập thể như UBND phường ở những nơi không thí điểm.
Về cán bộ, công chức của phường, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ làm rõ địa vị pháp lý của cán bộ, công chức của phường khi thực hiện thí điểm. Đồng thời đề nghị làm rõ địa vị pháp lý của các chức danh cán bộ phường tại cơ quan Đảng, Mặt trận, đoàn thể đặt tại phường.
Sau khi nghe báo cáo, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự thảo Nghị quyết này./.