Triển khai thẩm tra 7 dự án luật trình Quốc hội vào cuối năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 13/8/2021 tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với thường trực một số ủy ban của Quốc hội về việc triển khai thẩm tra 7 dự án luật sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 diễn ra cuối năm nay.  
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các ủy ban cần nhận thức rõ yêu cầu của thực tiễn, đi thẳng vào các vấn đề thực tiễn đặt ra để thẩm tra, góp ý cùng xây dựng dự thảo luật có chất lượng
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các ủy ban cần nhận thức rõ yêu cầu của thực tiễn, đi thẳng vào các vấn đề thực tiễn đặt ra để thẩm tra, góp ý cùng xây dựng dự thảo luật có chất lượng

7 dự án luật bao gồm: Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi); Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Cảnh sát Cơ động; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Đây là các dự án luật sẽ “mở hàng” cho việc thực hiện chức năng lập pháp của Quốc hội khoá XV tại Kỳ họp thứ 2 năm 2021. Trước đó, các dự án luật sẽ lần lượt được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì thẩm tra, cho ý kiến vào các phiên họp trong tháng 8, 9/2021.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệi đề nghị các ủy ban cần nhận thức rõ yêu cầu của thực tiễn, đi thẳng vào các vấn đề thực tiễn đặt ra để thẩm tra, góp ý cùng xây dựng dự thảo luật có chất lượng, thực chất để trình ra Quốc hội.

Trong việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự để bảo đảm thực hiện cam kết của Việt Nam khi tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Chủ tịch Quốc hội đề nghị giữ nguyên tắc rà soát sửa đổi, bổ sung nội dung theo đúng cam kết, không mở rộng nội dung khác khi chưa có dự kiến, đánh giá đầy đủ, chi tiết theo yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội đề nghị hồ sơ cần đánh giá tác động từ nhiều phía. Việc bảo vệ quyền lợi cho bên được cung cấp dịch vụ bảo hiểm là cần thiết, nhưng nếu bảo vệ quá mức cần thiết thì lại gây khó khăn cho doanh nghiệp bảo hiểm; rà soát các quy định cho phù hợp với yêu cầu hiện nay cũng như thông lệ quốc tế như điều kiện kinh doanh, trình tự thành lập, gia nhập thị trường, quản trị nội bộ… Tuy nhiên, hết sức lưu ý bảo đảm quy định rõ ràng, thuận lợi về trình tự, thủ tục trong quá trình gia nhập thị trường, trách nhiệm công bố thông tin, bảo đảm công khai, minh bạch nhưng cũng phải bảo đảm quyền bảo vệ bí mật kinh doanh của doanh nghiệp; tránh can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp, trái với quy định của Luật Doanh nghiệp.

Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia, dự kiến sẽ thảo luận thông qua 1 lần tại Kỳ họp thứ 9. Sau khi tổng hợp ý kiến phát biểu, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dự án này không chỉ là sửa vấn đề về chỉ tiêu thống kê mà cần rà soát lại phạm vi điều chỉnh, xác định rõ các vấn đề liên quan tới nội hàm các chỉ tiêu thống kê với các cách tính cụ thể để sửa tổng thể, góp phần minh bạch hoá phương pháp tính toán số liệu thống kê. Để đảm bảo hiệu quả, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, tổng kết 5 năm thực hiện Luật Thống kê để tổ chức điều chỉnh pháp luật về thống kê đồng bộ, hoàn chỉnh.

Đánh giá Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ là một luật khó với những cam kết liên quan đến quốc tế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh 3 yêu cầu lớn: Cụ thể hoá các quan điểm, chủ trương của Đảng về sở hữu trí tuệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ; rà soát bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế về sở hữu trí tuệ và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành; cần chuẩn bị thật kỹ lưỡng để luật mang tính khả thi cao.

Khát quát các vấn đề chung liên quan, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, đối với các vấn đề chưa rõ thì không được đóng khung vào luật mà phải giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền quyết định thực hiện nhằm đảm bảo thích ứng với thực tiễn.

Chuyên đề