Ảnh minh họa |
Thủ tướng lưu ý khi lập Chương trình hành động cần xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp chính gắn với phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng bộ, ngành, địa phương, thời gian thực hiện, những kết quả chủ yếu cần đạt được bảo đảm tính khoa học, khả thi; chú trọng công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát hàng năm tiến độ thực hiện; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trước tháng 2/2018.
Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, cơ quan liên quan, UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và Thành phố Hồ Chí Minh căn cứ nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết và Chương trình hành động tổng thể ban hành Kế hoạch chi tiết, tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; chủ động bố trí kinh phí để thực hiện; thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, theo dõi và đôn đốc việc triển khai thực hiện để đưa Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, thúc đẩy phát triển bền vững ĐBSCL; hàng năm trước ngày 15/12 báo cáo cụ thể tình hình thực hiện, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất rộng lớn chiếm 12% diện tích cả nước, mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc; có lợi thế về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm...; có vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Công.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, triển khai nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội ĐBSCL. Tuy nhiên, Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, ĐBSCL có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức do đây là vùng đất mẫn cảm với thay đổi của tự nhiên. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân.
Để khắc phục tình trạng trên, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 với những định hướng chiến lược, các giải pháp toàn diện để phát triển bền vững ĐBSCL với mục tiêu đến năm 2050 trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được xây dựng đồng bộ, hiện đại. Hệ thống đô thị hiện đại được xây dựng và phân bố hợp lý tại các tiểu vùng. Hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy được phát triển đồng bộ, kết nối trong vùng, liên vùng và phải bảo đảm kết hợp hài hòa, thống nhất, bổ trợ và không xung đột với hệ thống thủy lợi, đê điều. Hạ tầng thủy lợi được xây dựng đồng bộ phù hợp với mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tại các tiểu vùng sinh thái, đồng thời phải có biện pháp hiệu quả phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho dân sinh và nền kinh tế khi có thiên tai xảy ra...