Việc thi công Dự án Great Dragon Hotel gây lún nứt cho các công trình xung quanh. Ảnh: Hoàng Linh |
Xét xử phiên phúc thẩm vụ tranh chấp giữa nhà thầu là Công ty CP Tư vấn xây dựng dân dụng và đô thị VACC và Công ty TNHH Điện tử tin học viễn thông Eitc - chủ đầu tư Dự án Great Dragon Hotel (Sầm Sơn, Thanh Hóa), TAND tỉnh Thanh Hóa đã tuyên bác đơn khởi kiện của Công ty VACC.
Theo đó Công ty VACC là nhà thầu được Công ty Eitc thuê thi công ép cọc cừ Larssen VI loại 12 m và thi công xây dựng tòa nhà theo hồ sơ thiết kế Dự án Great Dragon Hotel. Quá trình thi công xây lắp, đã xảy ra tình trạng lún nứt nhà dân xung quanh và các bên có mâu thuẫn. Không thỏa thuận được, Công ty VACC đã khởi kiện đề nghị Tòa án buộc Công ty Eitc phải chịu trách nhiệm bồi thường giá trị 235 cọc cừ và số tiền thuê cừ. Theo đơn khởi kiện, để thực hiện hợp đồng xây lắp Dự án Great Dragon Hotel, Công ty VACC đã phải thuê thiết bị thi công ép, rút cừ thép Larssen xây dựng tầng hầm của công trình từ Công ty TNHH Thương mại và sản xuất H.L.
Nguyên đơn (nhà thầu) cho rằng, trước khi thi công ép cọc cừ thì chủ đầu tư ép cọc bê tông làm nền móng công trình từ tháng 1 - 4/2010 gây ra lún nứt nhà dân. Các hộ dân đã có đơn thư khiếu nại đến các cơ quan chức năng của địa phương. Quá trình giải quyết, Công ty Eitc đã có biên bản cam kết đền bù cho các hộ dân. Nhưng do Công ty Etic đền bù không thỏa đáng và nhiều lần vắng mặt trong các cuộc họp với người dân dẫn đến các hộ dân cản trở không cho Công ty VACC và nhà thầu phụ thu hồi 235 cọc cừ còn nằm tại công trình. Việc không thu hồi được số cọc cừ dẫn đến thiệt hại về kinh tế cho Công ty VACC.
Nguyên đơn yêu cầu Tòa án buộc Công ty Etic phải bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tài sản còn lại trên công trình và số tiền thuê cọc từ tháng 6/2012 đến tháng 12/2014. Đối với trách nhiệm bồi thường cho các hộ dân, Công ty VACC đề nghị Tòa án tuyên hủy Phụ lục hợp đồng (có nội dung bồi thường) bị vô hiệu vì việc lún nứt xảy ra trước đó nên Công ty VACC không có trách nhiệm bồi thường, Công ty chỉ hỗ trợ.
Tại tòa, Eitc cho biết, khi Eitc ép cọc móng có gây lún nứt nhà dân xung quanh công trình, nhưng chỉ ở mức nhẹ, sau đó do VACC thi công tầng hầm công trình… biện pháp thi công không bảo đảm, thiếu trách nhiệm, nên không ngăn được dòng cát chảy, dẫn đến lún nứt các công trình liền kề… Dù lỗi chủ yếu là do nhà thầu thi công gây ra nhưng Công ty Etic vẫn chấp nhận đền bù hơn 70% cho các hộ dân, Công ty VACC chịu 30% theo cam kết.
Tại Bản án sơ thẩm số 01/2015/KDTM-ST ngày 15/9/2015, TAND thị xã Sầm Sơn (cũ) đã tuyên chấp nhận đơn khởi kiện của VACC. Buộc EITC phải thu hồi 235 cây cừ thép Larssen trả cho VACC. Buộc EITC phải bồi thường thiệt hại cho VACC hơn 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, do cấp sơ thẩm có một số sơ suất, tại Bản án phúc thẩm số 05/2016/KDTM-PT ngày 2/3/2016, của TAND tỉnh Thanh Hóa, HĐXX tuyên hủy bản án sơ thẩm số 01/2015/KDTM-ST của TAND thị xã Sầm Sơn (cũ), trả hồ sơ về cấp sơ thẩm giải quyết lại.
Tại phiên xử sơ thẩm lần 2 ngày 19/3/2018, TAND TP. Sầm Sơn, đã bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty VACC. Sau đó, nguyên đơn đã có đơn kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm lần 2 lên TAND tỉnh Thanh Hóa.
Tuy nhiên, tại phiên phúc thẩm TAND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục bác đơn kháng cáo của Công ty VACC. Đối với phần thiệt hại phát sinh ngoài hợp đồng mà Công ty VACC yêu cầu Công ty Etic bồi thường, Tòa án cho rằng không có cơ sở để chấp nhận bởi người dân chỉ có đơn khiếu nại yêu cầu chủ đầu tư thực hiện cam kết bồi thường, không có chứng cứ nào thể hiện việc rút cừ bị người dân cản trở.