Trần room ngoại các ngân hàng có được nới trong năm 2021?

0:00 / 0:00
0:00
Một thay đổi gần đây có thể hỗ trợ việc thay đổi quy định room FOL đối với các ngân hàng trong tương lai gần...
Trần room ngoại các ngân hàng có được nới trong năm 2021?

Báo cáo chiến lược mới nhất của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã kỳ vọng Trần sở hữu nước ngoài tối đa (FOL) của các ngân hàng có thể thay đổi vào năm 2021.

KỲ VỌNG THỊ TRƯỜNG VỐN SƠ CẤP SẼ MỞ CỬA TRỞ LẠI VÀO CUỐI 2021

Cổ phiếu ngân hàng trong năm 2020 chứng kiến sự quay trở lại của bán ròng của khối ngoại với tổng giá trị tích lũy là 554 tỷ đồng (thấp hơn 29,0% so với mức đã ghi nhận năm 2016) tại thời điểm 31/12/2020.

VCSC cho biết kết quả huy động vốn sơ cấp thực tế thấp hơn so với dự báo trước đó, giả định tổng lượng vốn mới là 2,5 tỷ USD từ phát hành riêng lẻ của VCB và thương vụ bán FE Credit dự kiến thực hiện năm 2020 trong bối cảnh lo ngại rủi ro gia tăng năm 2020 của các nhà đầu tư quốc tế đối với các nhà đầu tư vào các thị trường mới nổi và cận biên - đặc biệt là đối với các tổ chức tín dụng - cũng như việc ngừng hoạt động đi lại quốc tế.

Trong khi đó, kể từ tháng 9/2020, thị trường đã cho thấy sự quan tâm trở lại của các nhà đầu tư quốc tế đối với VCB.

Công ty chứng khoán này kỳ vọng thị trường vốn sơ cấp sẽ mở cửa trở lại vào nửa cuối năm 2021, mở ra cơ hội chào bán từ VCB và BID để thúc đẩy lượng mua ròng cổ phiếu ngân hàng từ giai đoạn 2021-2022 lên mức cao kỷ lục - tạo ra tâm lý tích cực tương tự thương vụ đầu tư của GIC và KEB Hana năm 2019.

Cả BID và VCB đều có cơ cấu sở hữu gần tương tự nhau: 74% thuộc sở hữu Nhà nước, 15% thuộc các cổ đông chiến lược và phần còn lại tự do chuyển nhượng với giá trị vốn hóa thị trường đạt lần lượt là 287 triệu USD (4,0%) và 1 tỷ USD (7,7%).

Tỷ lệ sở hữu của các cổ đông trong nước đối với tỷ lệ giao dịch tự do nhỏ hơn nhiều so với sở hữu nước ngoài; tính đến ngày 31/12/2020, chỉ có 55 triệu cổ phiếu VCB (1,5%) và 66 triệu cổ phiếu BID (1,6%) thuộc sở hữu các nhà đầu tư trong nước. Trong bối cảnh số lượng cổ phiếu thuộc sở hữu của các nhà đầu tư trong nước hạn chế, việc mua ròng liên tục của khối ngoại - thường được thúc đẩy bởi các sự kiện lớn như tăng vốn hoặc kế hoạch hợp tác - có thể có ảnh hưởng lớn đến biến động giá.

Mặc dù ban lãnh đạo BID đã chia sẻ kế hoạch thực hiện phát hành sơ cấp trong vòng hai năm tới, nhưng thời gian thực hiện vẫn chưa xác định và có thể cần đợi đến Đại hội đồng cổ đông năm 2021 của ngân hàng để có cái nhìn rõ ràng hơn.

VCB nhiều khả năng sẽ tăng vốn chủ sở hữu trong 2 đợt vào nửa cuối năm 2021 và nửa đầu năm 2022, nhưng lần này sẽ dựa vào các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài hơn là đợt chào bán cho đối tượng được xác định trước trong năm 2019.

Ngoài ra, theo VCSC, VCB sẽ phải đối mặt với tính nhạy cảm về giá. Có thể VCB sẽ không thành công trong nỗ lực phát hành và quay trở lại thị trường vào đầu năm 2022 với quan điểm nỗ lực hoàn thành thương vụ.

FOL NGÂN HÀNG CÓ THỂ THAY ĐỔI VÀO NĂM 2021

Trần sở hữu nước ngoài tối đa (FOL) đối với các ngân hàng Việt Nam đã không thay đổi trong năm 2020. Tuy nhiên, một thay đổi quy định gần đây có thể hỗ trợ việc thay đổi quy định room FOL đối với các ngân hàng trong tương lai gần.

Cụ thể, Nghị quyết 161/NQ-CP do Chính phủ ban hành ngày 29/10/2020 - chỉ đạo củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước - đề cập đến việc Nhà nước phải sở hữu cổ phần chi phối tại các ngân hàng quốc doanh. Trong khi đó, theo Luật các tổ chức tín dụng, để có quyền chi phối đối với doanh nghiệp, một chủ thể phải sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần có quyền biểu quyết của doanh nghiệp.

Như vậy, Nghị quyết 161 đã tạo khuôn khổ để Chính phủ giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại các ngân hàng doanh nghiệp nhà nước từ 65% xuống còn hơn 50%. Trên cơ sở Nghị quyết 161, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có kế hoạch soạn dự thảo Văn bản thay thế Quyết định 58/2016/QĐ-TTg (Quyết định 58). Văn bản mới, dự kiến ban hành vào năm 2021, sẽ phân loại lại các ngân hàng (trừ các công ty bảo hiểm, chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính) vào nhóm mà Nhà nước nắm giữ từ 50% đến 65% vốn điều lệ.

CTG có thể là ngân hàng hưởng lợi lớn nhất nếu nới trần FOL cho các ngân hàng. Việc ban hành Văn bản mới như đã thảo luận ở trên sẽ lần lượt thiết lập khuôn khổ cho việc điều chỉnh nới room FOL đối với các ngân hàng, điều này sẽ có lợi cho các ngân hàng nhà nước (SOCB), đặc biệt là CTG - ngân hàng SOCB duy nhất hiện nay có tỷ lệ sở hữu Nhà nước nằm ở ngưỡng giới hạn 65% và là ngân hàng chưa hoàn thành tuân thủ các tiêu chuẩn Basel II do hạn chế về vốn – trong bối cảnh ngân hàng có thể khai thác vốn mới thông qua các đợt chào bán riêng lẻ cho các nhà đầu tư nước ngoài thay vì dựa vào sử dụng ngân sách Nhà nước.

Chuyên đề