Nếu công ty phát hành trái phiếu làm ăn thua lỗ, phá sản, không trả được tiền cho người mua trái phiếu, thì người mua mất tiền cả gốc và lãi. Ảnh: THÀNH HOA |
Trái phiếu doanh nghiệp là kênh dẫn vốn cần phát triển. Điều này không cần phải bàn cãi. Theo số liệu của Bộ Tài chính dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp cuối năm 2017 bằng khoảng 6,19% GDP. Nếu lấy GDP năm ngoái là 240 tỉ đô la Mỹ, tức 5,6 triệu tỉ đồng, thì số dư trái phiếu doanh nghiệp ở mức đâu đó 345.000 tỉ đồng.
Con số tuyệt đối và tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp/GDP nói trên của Việt Nam thấp hơn hẳn các nước trong khu vực, nơi có tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp/GDP là 20-30%, thậm chí 50%. Doanh nghiệp các nước Đông Nam Á và châu Á thay vì vay ngân hàng, họ phát hành trái phiếu huy động vốn từ mọi thành phần dân cư và chủ thể khác trên thị trường.
Các công ty đại chúng phát hành trái phiếu doanh nghiệp càng dễ vì theo Luật Chứng khoán, trái phiếu có thể phát hành cho dưới 100 nhà đầu tư không chuyên nghiệp. Những công ty niêm yết có uy tín, có thể phát hành trái phiếu cho cổ đông. Thực ra nếu công ty niêm yết kinh doanh hiệu quả, quản trị doanh nghiệp tốt, thì chẳng cần phát hành trái phiếu, mà có thể phát hành cổ phiếu tăng vốn, bán bằng mệnh giá hoặc bằng/thấp hơn giá trị sổ sách cho cổ đông hiện hữu, cổ đông riêng lẻ. Ít công ty niêm yết nào có khả năng phát hành cổ phiếu tăng vốn lại chọn vay ngân hàng. Vay vốn ngân hàng phải chịu áp lực trả lãi hàng quí, hàng năm, chưa kể giải trình sử dụng vốn thế nào và buộc có tài sản thế chấp.
Vậy vấn đề của trái phiếu doanh nghiệp là gì? Đó chính là người mua sau cùng. Trong mắt các thể nhân và pháp nhân, nhiều công ty đại chúng không được xếp hạng định mức cao, không đủ sức hấp dẫn các thành phần khác nhau mua trái phiếu. Họ nhờ cậy các công ty tư vấn tài chính, các định chế tài chính nước ngoài bảo lãnh. Trong trường hợp phát hành được trái phiếu doanh nghiệp cho định chế tài chính nước ngoài thì quá tốt. Một số doanh nghiệp chấp nhận lãi suất trái phiếu cao, mà là trái phiếu bằng ngoại tệ. Tính cả chi phí bảo lãnh, phát hành, chênh lệch tỷ giá, bảo hiểm tỷ giá thì trái phiếu doanh nghiệp bằng ngoại tệ trên thực tế không hề rẻ.
Đầu tháng 11-2018, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII-Hose) thông báo sẽ phát hành 1.150 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp lãi suất 7%/năm được bảo lãnh bởi Công ty Dịch vụ bảo lãnh đa quốc gia (Private Infrastructure Development Group - Guarantco) - một công ty được Anh, Úc, Hà Lan, Thụy Điển tài trợ. Nhờ sự bảo lãnh của nước ngoài, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp của CII khá cạnh tranh.
Hồi tháng 7 và 8-2018 thị trường ghi nhận hàng loạt trường hợp bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Thí dụ Công ty Chứng khoán Bản Việt dự kiến phát hành làm nhiều đợt 800 tỉ đồng trái phiếu để bổ sung vốn lưu động, kỳ hạn hai năm, lãi suất bằng lãi suất huy động bình quân trung hạn của VietinBank, BIDV cộng thêm 4,5%/năm. Trước đó Công ty Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội cũng phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Nhìn chung các công ty chứng khoán thường phát hành trái phiếu để có nguồn phục vụ hoạt động dịch vụ ký quỹ.
Với sự tư vấn và bảo lãnh phát hành của Công ty Chứng khoán Vietcombank, Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú đã phát hành 200 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp; Công ty cổ phần Khoáng sản xây dựng Bình Dương phát hành thành công 500 tỉ đồng. Lớn nhất là đợt tập đoàn Trường Hải bỏ ra hơn 2.200 tỉ đồng mua trái phiếu chuyển đổi của Công ty Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG-Hose).
Trên thị trường quốc tế, các định chế tài chính tư vấn, bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp thường là những tổ chức có tiềm lực, có quan hệ rộng, có thể thu xếp các khoản hợp vốn lớn từ nhiều ngân hàng. Khi phát hành không được, họ là người mua sau cùng. Ở Việt Nam, các đơn vị tư vấn, bảo lãnh phát hành đa phần là các công ty tài chính, công ty chứng khoán, bản thân không có vốn mạnh. Chính vì thế, người mua trái phiếu doanh nghiệp rốt cuộc là các công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư và ngân hàng thương mại.
Tuy nhiên, tỷ trọng mua trái phiếu doanh nghiệp trong đầu tư của các công ty bảo hiểm thường nhỏ. Quỹ đầu tư tập trung tìm kiếm lợi nhuận trong các doanh nghiệp niêm yết và chưa niêm yết (private equity), nên ngân hàng là đối tác mua trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất.
Thế nhưng hiện nay mua trái phiếu doanh nghiệp, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, phải tính vào hạn mức tín dụng. Nhiều ngân hàng không còn hạn mức tín dụng, giờ quay sang làm dịch vụ bảo lãnh phát hành cho doanh nghiệp. Khách hàng khi giao dịch (gửi tiền) với ngân hàng, được tư vấn hoặc gửi tiết kiệm hoặc mua trái phiếu doanh nghiệp, mà một số nơi gọi là chứng chỉ trái phiếu doanh nghiệp. Trên chứng chỉ này ghi rõ trái phiếu do doanh nghiệp XYZ phát hành và ngân hàng ABC là người bảo lãnh phát hành (“bảo lãnh phát hành” chứ không phải “bảo lãnh”).
Lãi suất của trái phiếu doanh nghiệp cao hơn nhiều, có thể cao hơn tới 3-4%/năm so với lãi suất tiết kiệm và người mua chỉ cần nắm giữ một thời gian nhất định. Sau đó, nếu muốn bán lại, ngân hàng sẽ mua, mà người đã mua trái phiếu vẫn được hưởng lãi suất cao.
Thí dụ ngân hàng A bán trái phiếu doanh nghiệp của công ty X, kỳ hạn ba năm, lãi suất năm đầu cố định 10%/năm, năm sau thả nổi (bằng lãi suất tiền gửi 12 tháng của ngân hàng A cộng thêm chẳng hạn 3%/năm). Người mua phải nắm giữ trái phiếu tối thiểu 12 tháng, sau đó bán lại cho ngân hàng nếu cần rút vốn. Nếu người mua trái phiếu giữ 13 tháng, thì tháng thứ 13 được hưởng lãi suất ít nhất 10%/năm hoặc có thể được hưởng lãi suất thả nổi tính như ghi trên trái phiếu. Vì thế người mua trái phiếu doanh nghiệp thoạt nhìn rất có lợi, lợi hơn gửi tiết kiệm.
Chỉ có điều người mua trái phiếu doanh nghiệp trong đa số trường hợp, tin rằng trái phiếu được ngân hàng bảo lãnh phát hành, tức là trái phiếu của ngân hàng. Người ta không chú ý chính doanh nghiệp phát hành mới là người bán trái phiếu, chịu trách nhiệm thực sự về trái phiếu. Nếu công ty phát hành trái phiếu làm ăn thua lỗ, phá sản, không trả được tiền cho người mua trái phiếu, thì người mua mất tiền cả gốc và lãi. Ngân hàng không có trách nhiệm gì ở đây, vì ngân hàng chỉ bảo lãnh phát hành (được hưởng phí bảo lãnh phát hành), chứ ngân hàng không bảo lãnh cho doanh nghiệp. Bảo lãnh phát hành và bảo lãnh cho một khoản vay vốn hoặc một khoản tiền gửi là hoàn toàn khác nhau.
Cho đến nay, theo thống kê bỏ túi của chúng tôi khi trao đổi với một số ngân hàng, số lượng trái phiếu doanh nghiệp mà ngân hàng bán cho khách hàng tổng cộng đã lên tới vài chục ngàn tỉ đồng.
Báo cáo tài chính của các ngân hàng không có chỗ nào thể hiện việc bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Nhưng có thể thấy doanh thu và lợi nhuận từ mảng dịch vụ (có ngân hàng ghi là dịch vụ khác hoặc đưa vào doanh thu tài chính) của một số ngân hàng tăng mạnh. Phải chăng sự gia tăng này xuất phát từ bán trái phiếu doanh nghiệp?