Khi quỹ đất ngày càng khan hiếm đối với TP.HCM, những huyện lỵ án ngữ ở các cửa ngõ như Bình Chánh được ví như những miếng ngọc thô được nhiều người nhòm ngó. Ảnh: Internet |
Sau phát biều mới đây của ông Trần Văn Nam, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh về việc chính quyền huyện này đang xây dựng 2 đề án để chuyển Bình Chánh từ huyện lên quận và thành phố với lộ trình thực hiện từ nay tới năm 2025, bỗng nhiên giá đất liên tục “nhảy múa”.
Dù đang trong lúc dịch bệnh, nhưng những tuần qua, các nhà đầu tư cá nhân và giới đầu nậu vẫn tập trung về đây "săn đất" khá đông.
Tại xã Vĩnh Lộc A, chị Phương rao bán 2 lô đất, diện tích mỗi lô ngang 4 m, dài 20 m, nằm ở đường bê tông 4 m, sổ hồng, với tổng giá 6 tỷ đồng, tức tăng hơn cách đây 3 tháng trên 20%.
Ở xã Hưng Long, một lô đất có diện tích đất 177 m2, nằm ở trục đường chính Đoàn Nguyễn Tuấn, cách chợ Hưng Long 800 m, được rao vơi giá 6,8 tỷ đồng.
Ở thị trấn Tân Túc, một căn nhà cấp 4 cũ nát, diện tích 4,5x22 m, trong hẽm, chủ nhà cần bán nhanh, được rao với giá 2,8 tỷ đồng.
Ở các xã Bình Hưng, Tân Tân Tạo, Phong Phú, Quy Đức, Tân Kiên…, ngoài đất thổ cư ra, đất vườn, đất trồng cây lâu năm cũng trên đà tăng.
Dọc Kênh Trung Ương, thuộc xã Vĩnh Lộc B, đất vườn được rao bán với giá khoảng 700 triệu đồng/1.000 m2. Ở các xã khác, giá đất cũng trên dưới mức này và so với cách đây vài tháng đã tăng lên đáng kể, trên 10%.
Huyện Bình Chánh, sau năm 2003 khi đã “nhường” bớt một phần lớn đất cho việc thành lập mới quận Bình Tân, hiện còn lại 16 xã, thị trấn với diện tích là 25.255,58 ha.
Khi quỹ đất ngày càng khan hiếm đối với TP.HCM, những huyện lỵ án ngữ ở các cửa ngõ như Bình Chánh được ví như những miếng ngọc thô được nhiều người nhòm ngó.
Một chủ đầu tư (giấu tên) cho rằng, không phải chỉ mấy tháng qua, mà những năm trước, hễ có một thông tin gì bung ra, dù chưa chính thức, là ngay lập tức giới đầu nậu, cò đất liền nắm lấy cơ hội ấy để đẩy giá lên. Đánh vào tâm lý dẫn dắt đám đông, nhiều người đã găm đất lâu nay chờ sẵn, nay cứ thế bán ra hưởng lợi.
Tuy đất đã bị đẩy giá tăng lên khá mạnh, nhưng do so với mặt bằng chung các quận vùng ven khác còn khá mềm, nên một số nhà đầu tư cá nhân vẫn không ngại xuống tiền để mua, với tâm lý là để dành đó, giá đất thế nào rồi cũng tăng theo thời gian.
Mặc dù chưa đến mức tạo ra một cơn sốt cục bộ, do số lượng giao dịch thành công chưa đến mức đột biến, nhưng theo các chuyên gia bất động sản, những rủi ro vẫn luôn rình rập. Bởi, ngoài những sản phẩm có pháp lý rõ ràng, đa phần các lô đất có giá vừa túi tiền ở huyện Bình Chánh lâu nay chủ yếu mua bán bằng giấy tay, hoặc sổ đất chung.
Bên cạnh đó, nếu mua phải những lô đất nằm trong diện quy hoạch, thì coi như tài sản tích cóp của nhiều người mua đất với mong muốn an cư ở đây khó thành hiện thực, dẫn đến “tiền mất, nhà không”.
Câu nói “mua vàng thì lỗ, mua thổ thì lời” đã được nhiều người áp dụng triệt để trong bối cảnh đồng tiền ngày càng mất giá, lạm phát tăng cao, còn thông tin quy hoạch lên quận, thành phố như một miếng mồi ngon được giới đầu nậu, cò đất đem để "nhử" khách.
Kinh nghiệm cho thấy, sau những đợt giá đất bùng lên bởi các thông tin quy hoạch, một thời gian sau đó sẽ lắng xuống. Vì vậy, việc ra quyết định mua bán vào thời điểm thích hợp là rất quan trọng đối với những nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là những người có nhu cầu mua để ở.
"Đừng bao giờ "chạy đua" theo thông tin do người khác dẫn dắt khi mua bất động sản. Vì khi bị cuốn vào cơn lốc ấy, bạn sẽ rất dễ bị mắc cạn và kiệt sức", một chuyên gia bất động sản nước ngoài bình luận.