Dự án Saigon One Tower như vết sẹo làm xấu bộ mặt khu trung tâm TP.HCM nhiều năm. |
Từ những dự án “đất vàng” làm xấu thành phố
Trong buổi làm việc với các doanh nghiệp hạ tầng và bất động sản cuối tuần qua, lãnh đạo TP.HCM tỏ ra không hài lòng với tình trạng các dự án đất vàng đang trong tình trạng dở dang, làm xấu diện mạo Thành phố.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị Sở Xây dựng rà soát lại tất cả các công trình xây dựng đang triển khai. Dự án nào đang dở dang thì tập trung xử lý, còn dự án nào chưa khởi công thì phải xem lại cụ thể.
Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh, các dự án trên đất vàng đang trong tình trạng dở dang là yếu tố làm xấu đi diện mạo Thành phố. Ông cũng điểm mặt 3 dự án nằm trên các vị trí đắc địa, nhưng nhiều năm qua vẫn nằm bất động là Saigon One Tower, Tòa tháp SJC và dự án Lavenue.
Trong đó, Dự án cao ốc Saigon One Tower nằm ngay giao lộ Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng - Đại lộ Võ Văn Kiệt - hầm Thủ Thiêm. Được khởi công từ năm 2007, Saigon One Tower dự kiến sau khi hoàn thành năm 2009 sẽ là tòa nhà cao thứ 3 tại TP.HCM (trên 195 m). Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 256 triệu USD (5.000 tỷ đồng) và được thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC do nhà thầu Bouygues Batiment International thi công.
Chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn M&C - công ty này ban đầu do các cổ đông khá “đình đám” sáng lập là Công ty cổ phần M&C (49%), Tổng công ty Du lịch Sài Gòn - Saigontourist (30%), Ngân hàng TMCP Đông Á (6%), Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (10%), Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận - PNJ (5%).
Là dự án tạo tiếng vang và được chờ đợi ở khu trung tâm Thành phố, nhưng sau 2 năm khởi công, Saigon One Tower rơi vào bế tắc. Tính đến thời điểm ngưng thi công cuối năm 2011, ước 80% khối lượng công việc đã hoàn thành.
Thời gian sau đó, các cổ đông sáng lập ban đầu là Ngân hàng TMCP Đông Á, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đông Á và PNJ lần lượt thoái vốn; Công ty cổ phần M&C thì ngưng hoạt động vì nợ thuế…, trong khi dự án bị UBND TP.HCM cho thanh tra toàn diện.
Khu đất "vàng" của dự án Saigon One Tower có diện tích 6.672 m2. Tại đây, chủ đầu tư được phép xây dựng 1 tòa tháp đôi gồm 5 tầng hầm và 41 tầng cao, tổng diện tích sàn xây dựng vào khoảng 127.126 m2 (tính cả hầm khoảng 152.000 m2). Trong đó, 6 tầng khối đế dành cho khu bán lẻ có diện tích 23.000 m2, khu văn phòng hạng A 34 tầng, có diện tích 49.000 m2, còn lại là khu căn hộ 133 căn.
Mới đây xuất hiện thông tin dự án Saigon One Tower đang có động thái khởi động trở lại, với sự tham gia của nhà đầu tư mới là Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Alpha King. Công ty này cũng tiết lộ, thời điểm hoàn thành dự án vào năm 2018.
Còn cao ốc SJC (SJC Tower) tọa lạc tại khu tứ giác vàng lõi trung tâm quận 1, TP.HCM giới hạn bởi 4 tuyến đường Lê Lợi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Thánh Tôn - Nguyễn Trung Trực. Dự án do Công ty cổ phần Sài Gòn Kim Cương làm chủ đầu tư, có tổng diện tích đất rộng 3.791,7 m2, quy mô xây dựng được phê duyệt gồm 6 tầng hầm và 54 tầng nổi, chức năng bao gồm trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn, căn hộ...
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 5.300 tỷ đồng, dự kiến sẽ được triển khai xây dựng và hoàn thành đưa vào sử dụng sau 4 năm thực hiện. Công ty cổ phần Sài Gòn Kim Cương từng có cổ đông chiếm 50% là Công ty cổ phần Kinh Đô (nay là Công ty cổ phần Tập đoàn Kido - KDC).
Tuy nhiên, năm 2010, KDC đã chuyển nhượng phần vốn này cho các đối tác không công bố danh tính. Năm 2015, TP.HCM đã có quyết định thanh tra làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các đơn vị liên quan đến việc chậm triển khai dự án.
Trong đó, các cổ đông góp vốn đã chuyển nhượng quá 5 lần (có hai lần phát sinh lãi trên 668 tỷ đồng), làm tăng vốn đầu tư tại dự án để báo cáo, đề xuất trình Thành phố xem xét, xử lý nghiêm theo đúng chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM.
Trong khi đó, dự án Lavenue Crown của KDC và các đối tác tọa lạc ở khu đất vàng mặt tiền đường Lê Duẩn - Hai Bà Trưng. Siêu dự án này nằm cạnh Trung tâm thương mại Diamond (quận 1).
Đây là khu phức hợp có quy mô xây dựng lớn nhất trục đường Lê Duẩn - Hai Bà Trưng với 36 tầng, rộng 4.921 m2. Lavenue Crown là một dự án phức hợp hạng sang, gồm có 3 khu chức năng là căn hộ hạng sang, khách sạn 5 sao và trung tâm thương mại.
Lavenue là công ty liên doanh của KDC (50% vốn điều lệ), Công ty Đầu tư Mayflower (Mỹ) và Công ty Quản lý Kinh doanh nhà TP.HCM. Với thiết kế hình tòa tháp đài hoa sen, Lavenue Crown từng được kỳ vọng là biểu tượng mới của Thành phố.
Tuy nhiên, nhiều năm qua dự án vẫn im lìm, khu đất được cho thuê làm bãi giữ xe. Tổng giám đốc KDC Trần Lệ Nguyên từng trình kế hoạch hoàn thành dự án vào năm 2014, nhưng từ đó đến nay, dự án vẫn là một khu đất trống.
Đến lãng phí và chảy máu đất công
Ngày 8/6 vừa qua, tại buổi giám sát của Ban Kinh tế ngân sách, HĐND TP.HCM về việc sử dụng đất công trên địa bàn Thành phố, nhiều ý kiến bức xúc trước việc đất công bị sử dụng sai mục đích, bị lấn chiếm, gây lãng phí nghiêm trọng nguồn lực đất đai của Thành phố trong bối cảnh các dự án BT bế tắc, vì không có quỹ đất đối ứng.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, hiện nay, Thành phố có 746 khu đất chưa có pháp lý sử dụng đất và đang giao các cơ quan nhà nước quản lý. Cụ thể, Công ty TNHH một thành viên Quản lý kinh doanh nhà Thành phố quản lý 110 khu đất; các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên dịch vụ công ích quận, huyện quản lý 636 khu đất.
Nhằm nắm rõ thực trạng, mới đây, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp UBND quận, huyện, Ban chỉ đạo 09 (Sở Tài chính), các công ty dịch vụ công ích quận, huyện tiếp tục thực hiện việc rà soát, xác định trong số các khu đất được giao tạm quản lý, giữ hộ, thì có bao nhiêu trường hợp khu đất đang sử dụng kinh doanh.
Từ đó, Ban chỉ đạo 09 tham mưu trình UBND Thành phố ủy quyền cho các công ty ký hợp đồng thuê đất ngắn hạn hàng năm với Sở Tài nguyên và Môi trường, hướng dẫn lập thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất, ký hợp đồng thuê đất theo quy định.
Ngoài ra, TP.HCM còn có 224 khu đất công do các đơn vị sử dụng đất khác đang quản lý sử dụng, cũng chưa có pháp lý sử dụng đất. Trong năm 2016, Sở Tài nguyên và Môi trường đã 3 lần phát công văn đề nghị UBND 24 quận, huyện thực hiện công tác kiểm tra, báo cáo rà soát. Đến nay, cơ quan này nhận được báo cáo của 21 quận, huyện, còn quận 1, huyện Bình Chánh và Cần Giờ chưa có báo cáo cụ thể.
Tại cuộc họp nói trên, hàng loạt giải pháp được đưa ra nhằm hạn chế việc chảy máu đất công, đưa đất vào khai thác nhằm tránh lãng phí quỹ đất, trong đó đáng chú ý nhất là việc TP.HCM mạnh tay thu hồi lại các quỹ đất công đang bị các đơn vị, nhất là các doanh nghiệp của Nhà nước sử dụng hoang phí.
Thậm chí, UBND TP.HCM còn yêu cầu thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý đất đai của UBND cấp huyện xã, sở ngành, nhất là trong việc sử dụng đất công; thu hồi các công sở sử dụng không đúng mục đích.
Đại diện Sở Tài chính TP.HCM cho biết, đối với các đơn vị đang thuê đất công, nếu sử dụng đúng mục đích thì cho tiếp tục sử dụng, còn không sẽ thu hồi, thực hiện sắp xếp theo Quyết định 09 hoặc giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất quản lý.
Đối với các quỹ đất mà đơn vị quản lý “cắt” giao cho cán bộ công chức ở, nay Nhà nước thu hồi, nhưng nhiều đơn vị cố tình không thực hiện, thì Thành phố yêu cầu chuyển giao nguyên trạng về để xử lý theo quy định của pháp luật. Để tạo quỹ đất đối ứng cho các dự án BT, nếu mặt bằng nào sử dụng không hiệu quả như của Tổng công ty Lương Thực, Tổng công ty Thép.... hay thuộc đơn vị Trung ương sẽ làm việc với các Bộ, ngành để thu hồi giao lại cho Thành phố quản lý. Đến nay, Bộ Tài chính cũng đã đồng ý quan điểm này.